Nguyễn Khánh Trung

26/09/2021

Trong một cuộc khảo sát của Zendesk, 87% người tiêu dùng cho biết việc xây dựng thương hiệu nhất quán trên các nền tảng truyền thống và trực tuyến là rất quan trọng.

Con số này nói lên điều gì?

Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn có sức cạnh tranh với các nhãn hàng lớn hơn, hoặc muốn có thể tồn tại trên thị trường thì cần phải học cách xây dựng thương hiệu mạnh hơn.

Xây dựng thương hiệu (Branding) có thể giúp doanh nghiệp của bạn vượt qua sự cạnh tranh và thu hút sự chú ý của khách hàng. Đó là điều sẽ khiến người mua thử lần đầu biến thành khách hàng lâu dài và khiến doanh nghiệp nổi bật, có sức ảnh hưởng hơn.

Nói cách khác, nếu muốn doanh nghiệp của mình thành công, thì việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng.

Nhưng, để hiểu khái niệm về xây dựng thương hiệu, trước tiên chúng ta cần biết sản phẩm và thương hiệu là gì trước đã.

Sản phẩm là gì?

“Broadly, a product is anything that can be offered to a market to satisfy a want or need, including physical goods, services, experiences, events, persons, places, properties, organizations, information, and ideas”

Kotler & Keller, 2015

Ta có thể hiểu, định nghĩa sản phẩm như thế này, một sản phẩm là bất cứ thứ gì được cung cấp cho thị trường nhằm mục đích đáp ứng mong muốn hoặc nhu cầu của con người, nó có thể bao gồm hàng hóa vật chất, dịch vụ, trải nghiệm, sự kiện, con người, địa điểm, tài sản, tổ chức, thông tin và ý tưởng.

Từ một bộ phim cho đến một chuyến trải nghiệm thực tế, một món ăn vặt hay định nghĩa của một cụm từ,... đó đều là sản phẩm. Ta có thể nhìn thấy những sản phẩm của Disney là những bộ phim ảnh mà chúng ta đã xem từ bé.

Những sản phẩm của Disney
Những sản phẩm của Disney

Chúng ta cần phải nêu rõ được sản phẩm và vai trò của nó trong việc xác định định nghĩa của branding.

Ví dụ thế này, gỗ của cây sau khi được chế biến hoặc không qua chế biến, chúng ta có những mặt hàng khác nhau. Một công ty nội thất có thể biến gỗ thành bàn ghế, giường hoặc các dụng cụ khác. Trong khi đó, một công ty khác chọn chế biến gỗ thành giấy. Chúng ta thấy được, những ngành nghề này khác nhau nhưng đều đến từ một nguyên liệu. Do đó, với mỗi sản phẩm khác nhau, chúng ta sẽ có những thương hiệu khác nhau.

Mặc dù là thế, các công ty nội thất vẫn đấu tranh với nhau không phải sao, các công ty sản xuất giấy cũng vậy. Thế làm sao để các công ty này có thể tồn tại trên thị trường? Cách nào để khách hàng chọn họ mà không phải ai khác?

Câu trả lời tôi đưa ra, đó là: Hãy cho sản phẩm của bạn một thương hiệu, và bạn sẽ có thêm sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường.

Thương hiệu (Brand) là gì?

CEO của Amazon – Jeff Bezos đã đưa ra một định nghĩa thế này: “Thương hiệu của bạn sẽ là những gì người ta nói về khi bạn không ở đó.”

Có rất nhiều định nghĩa về thương hiệu trên thị trường.

Tôi cũng hiểu thương hiệu như sau, “Thương hiệu là tất cả các giá trị vô hình và hữu hình doanh nghiệp đã xây dựng, là những gì hiện lên trong tâm trí khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, giao hàng, đội ngũ nhân viên, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành,…”

Ví dụ với một chiếc điện thoại Apple, bạn sẽ luôn nghĩ tới với tính năng vượt trội, độ bảo mật cao và thiết kế đẹp, sẵn tiện đó có thể thông điệp “Think different” của nó. Khách hàng sẵn sàng chi số tiền lớn để mua điện thoại Apple, mặc dù còn có nhiều hãng khác như Samsung, Oppo,... Khi sử dụng Apple, họ luôn có những niềm tin vào tính năng của nó và tự hào khoe chúng trên mạng xã hội.

Những sản phẩm được mong đợi của Apple trong năm 2021
Những sản phẩm được mong đợi của Apple trong năm 2021

Khách hàng không chỉ mua sản phẩm của bạn, họ mua cả cảm xúc bạn mang đến. Thứ mà khách hàng đang mua - là thương hiệu. Và, Apple đã làm được điều đó.

Một sản phẩm có thể dễ dàng bị bắt chước, nhưng thương hiệu không dễ dàng như vậy. Hãy nhìn những hãng xe hơi đang đấu tranh như BMW và Audi, thậm chí chúng ta cũng không quên màn khẩu chiến xuyên thế kỷ của hai thương hiệu đó.

BMW và Audi
BMW và Audi

Cùng chung một loại sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp đã có những cách xây dựng thương hiệu khác nhau. Từ đó, đã có thể giúp khách hàng phân biệt được chúng, đó là nền tảng để xây dựng được lòng trung thành của khách hàng và phát triển thương hiệu bền vững hơn.

Xây dựng thương hiệu (Branding) là gì?

Xây dựng thương hiệu là quá trình xây dựng nhận thức tích cực về doanh nghiệp, sản phẩm hoặc dịch vụ trong tâm trí khách hàng bằng cách kết hợp các yếu tố như logo, thông điệp thương hiệu, tuyên bố sứ mệnh và một chủ đề nhất quán trong tất cả các hoạt động truyền thông tiếp thị.

Xây dựng thương hiệu hiệu quả giúp các doanh nghiệp của bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh và thu hút khách hàng quan tâm, từ đó biến họ thành khách hàng trung thành.

Khách hàng sẽ không hài lòng với một thương hiệu dễ thay đổi. Họ sẽ mong đợi rằng giọng nói thương hiệu của bạn nhất quán các các yếu tố: email, website, dịch vụ khách hàng và mọi điểm tiếp xúc khác trong doanh nghiệp của bạn.

Trong trường hợp bạn có ý định thay đổi thương hiệu, bạn cần thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu của mình ở mọi nơi.

Dù vậy, hãy luôn đảm bảo rằng bạn tạo một thương hiệu nhất quán để khách hàng có thể chú ý và thích thú với sự hiện diện khắp nơi của bạn.

Xây dựng thương hiệu tại cửa hàng có thể rất khác so với xây dựng thương hiệu trong môi trường kỹ thuật số. Vì tại cửa hàng, bạn phải chú ý đến cách bài trí các sản phẩm, dịch vụ của mình để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng tốt nhất.

Tất nhiên, dù việc xây dựng thương hiệu trực tuyến và ngoại tuyến có sự khác nhau, nhưng chúng ta phải đảm bảo tính nhất quán của logo, hệ thống nhận diện thương hiệu và hình ảnh thương hiệu của mình.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài bởi vì nó không bao giờ dừng lại. Con người, thị trường và doanh nghiệp luôn thay đổi và thương hiệu phải phát triển để bắt kịp tốc độ, nhưng hãy luôn chắc chắn rằng không được quên giá trị thật sự của mình.

Ví dụ về Coca Cola, dù đã qua hơn 100 năm xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp đó vẫn giữ sắc màu đỏ đặc trưng, phông chữ cổ điển và cả những quảng cáo luôn hướng đến hạnh phúc con người, truyền tải cảm xúc gần gũi và thân thiện.

Quảng cáo Coca Cola
Quảng cáo Coca Cola

Tại sao xây dựng thương hiệu (Branding) lại quan trọng?

Xây dựng thương hiệu (Branding) có vai trò quan trọng đối với một doanh nghiệp vì nó tác động tổng thể lên doanh nghiệp bạn. Branding có thể thay đổi cách mọi người nhìn nhận về thương hiệu của bạn, có thể thúc đẩy doanh số, mở rộng và phát triển thị trường, hơn nữa có thể gia tăng giá trị thương hiệu.

1. Xây dựng thương hiệu thu hút khách hàng

Một thương hiệu tốt sẽ ít gặp khó khăn khi tung ra sản phẩm mới vào thị trường. Hãy thử nhìn vào Tân Hiệp Phát, sau 4 tháng khi tung ra sản phẩm Number One đã chiếm lĩnh 30% thị phần, tiếp theo đó công ty đã cho ra đời Number One Chanh và Number One Dâu với sức hút mạnh mẽ với khách hàng.

sự phát triển các mặt hàng của Tân Hiệp Pháp
Sự phát triển các mặt hàng sản phẩm của Tân Hiệp Phát

Thương hiệu mạnh nói chung có nghĩa là người tiêu dùng có ấn tượng tích cực về doanh nghiệp. Những người đó có khả năng sẽ chọn bạn thay vì người khác vì sự quen thuộc và sự đáng tin cậy qua những lần họ tiếp xúc với bạn.

Khi đã xây dựng được thương hiệu tốt cho khách hàng, họ sẽ là trợ thủ đắc lực để quảng bá về doanh nghiệp, truyền miệng sẽ là kỹ thuật quảng cáo tốt và hiệu quả.

Nhưng, bạn cũng nên chú ý, truyền miệng sẽ truyền đi nhận thức và củng cố thêm lòng tin của khách hàng của bạn. Hoặc nó cũng có thể làm hoen ố danh tiếng của thương hiệu, nếu thương hiệu của bạn mắc sai lầm, đó sẽ là vấn đề rất khó giải quyết.

Sự kiện đáng chú ý gần đây đến từ Nike, thương hiệu đang chịu đựng làn sóng tẩy chay mạnh mẽ khi có phát ngôn: "Là thương hiệu của Trung Quốc".

Làn sóng tẩy chai Nike trên Twitter
Làn sóng tẩy chai Nike trên Twitter

2. Branding tạo được sự tự hào cho nhân viên

Khi một nhân viên làm việc cho một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình và mức độ tự hào sẽ cao hơn về công việc mà họ làm.

Các bên liên quan của một thương hiệu không chỉ là khách hàng mà còn là nhân viên. Chúng ta phải nhận thức được rằng sự tương tác giữa con người với nhau là cơ sở của thương mại, và nhân viên là phương tiện truyền thông đầu tiên của bất kỳ thương hiệu nào - những đại sứ đầu tiên.

Những nhân viên có mối quan hệ tốt với thương hiệu sẽ duy trì nhận thức đó sâu hơn đến các khách hàng và đối tác mà họ tương tác. Điều này sẽ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn, ngày càng cống hiến nhiều hơn.

3. Tạo niềm tin trong thị trường

Danh tiếng của một thương hiệu phụ thuộc vào mức độ tin tưởng mà khách hàng có thể có đối với nó. Khách hàng càng tin tưởng vào một thương hiệu, thì nhận thức của họ về nó càng tốt, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có được vị thế vững chắc trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu mạnh sẽ tạo được lòng tin cho đối tác, cho nhân viên và các bên liên quan khác. Ở trong thị trường, niềm tin đặc biệt quan trọng vì nó có thể tạo ra sự khác biệt giữa ý định (cân nhắc mua) và hành động (mua).

4. Cải thiện quảng cáo của doanh nghiệp

Doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tiến xa nếu không có quảng cáo. Xây dựng thương hiệu và quảng cáo đi đôi với nhau. Nếu bạn muốn có quảng cáo cho doanh nghiệp của mình  tốt hơn, trước tiên bạn cần phải làm tạo thương hiệu tốt.

Khi quảng cáo doanh nghiệp của mình, nếu bạn muốn thể hiện bản sắc và giá trị của doanh nghiệp bạn thì đây sẽ là một thách thức khi bạn không dành thời gian để hình thành thương hiệu của mình.

Nếu bạn quảng cáo mà không có thương hiệu vững chắc, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tuyệt vời để tạo một chiến dịch hiệu quả.

Việc kết hợp xây dựng thương hiệu vào quảng cáo của bạn sẽ giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu của bạn khi tất cả các thương hiệu hiện diện trên thị trường.

5. Nâng cao giá trị doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên Apple được được định giá 322,99 tỷ USD và đứng đầu trong danh sách những công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới bởi Interbrand. Đó là kết quả của quá trình branding lâu dài của nó.

Apple là “thương hiệu giá trị nhất thế giới” 8 năm liên tiếp
Apple là “thương hiệu giá trị nhất thế giới” 8 năm liên tiếp

Kết quả của quá trình xây dựng thương hiệu là thương hiệu của riêng doanh nghiệp, thương hiệu kết hợp uy tín và giá trị đi kèm.

Danh tiếng mạnh có nghĩa đó là một thương hiệu mạnh và điều đó được chuyển thành giá trị. Thương hiệu là một tài sản kinh doanh có giá trị tiền tệ và nó làm tăng giá trị tổng thể của công ty.

Mặc dù đây là một chủ đề gây tranh cãi và là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều công ty, nhưng việc đưa ra trọng lượng tài chính cho thương hiệu  được gọi là 'định giá thương hiệu', cũng quan trọng như chính việc xây dựng thương hiệu.

Quy trình 7 bước để xây dựng thương hiệu?

1. Nghiên cứu đối tượng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh

Trước khi bắt đầu đưa ra bất kỳ quyết định nào về thương hiệu của mình, bạn cần hiểu thị trường hiện tại, tức là khách hàng tiềm năng và đối thủ cạnh tranh hiện tại của bạn là ai.

Để giao tiếp hiệu quả, bạn phải xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khách hàng mục tiêu và tập trung vào việc tận dụng chúng. Họ thích gì? Điều gì thúc đẩy và thu hút họ? Họ thích gì về thương hiệu của bạn?

Có rất nhiều cách để làm điều này:

  • Google danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và phân tích các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp xuất hiện.
  • Nói chuyện với những người là một phần của thị trường mục tiêu của bạn và hỏi họ những thương hiệu họ mua.
  • Xem các tài khoản hoặc trang mạng xã hội có liên quan mà đối tượng mục tiêu của bạn theo dõi và dễ tiếp nhận.
  • Đi mua sắm trực tuyến hoặc ngoại tuyến và cảm nhận cách khách hàng của bạn chọn lựa và mua sản phẩm.

Hãy ghi lại những điểm chung của khách hàng, vì nó sẽ cho biết thương hiệu của bạn nên tập trung vào điều gì và cách thương hiệu có thể tạo vị thế khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

2. Xây dựng tính cách thương hiệu

Tính cách thương hiệu là tập hợp các đặc điểm của một con người được quy cho thương hiệu. 

Nó sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khách hàng của bạn. Giọng điệu nào sẽ phù hợp với khán giả này? Loại ngôn ngữ nào sẽ có ảnh hưởng lớn nhất với họ? Những hình ảnh nào sẽ thu hút sự chú ý của họ.

5 bước để xác định tính cách thương hiệu: 

  • Phân tích sự cạnh tranh
  • Mô tả thương hiệu trên giấy
  • Vẽ nhân vật đại diện của thương hiệu
  • Trò chuyện với thương hiệu
  • Sự nhất quán.

3. Chọn tên doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp cần những gì? Nó tùy thuộc vào loại hình kinh doanh bạn muốn xây dựng.

Như chúng ta cũng biết, một thương hiệu không chỉ là một cái tên. Tính cách, hành động và danh tiếng của thương hiệu của bạn mới là những gì thực sự mang lại ý nghĩa cho cái tên của bạn.

Một vài tên thương hiệu bạn có thể tham khảo như:

  • Tạo ra một từ mới, như Pepsi.
  • Chọn một từ không liên quan, như Apple dành cho máy tính.
  • Sử dụng một từ gợi ý hoặc phép ẩn dụ, như Buffer.
  • Hãy mô tả nó theo nghĩa đen (nhưng cách này sẽ dễ bị bắt chước), như The Shoe Company.
  • Tạo một từ viết tắt từ một tên dài, như HBO (Home Box Office).
  • Kết hợp hai từ: Pinterest (ghim + sở thích)

Nếu bạn có bất kỳ kế hoạch nào để mở rộng các dòng sản phẩm mà bạn cung cấp, hãy cân nhắc giữ cho tên doanh nghiệp của bạn rộng rãi để dễ xoay quanh hơn thay vì chọn một tên thương hiệu dựa trên danh mục sản phẩm của bạn.

Vì tên thương hiệu của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến tên miền / URL của trang web của bạn, hãy tham khảo xung quanh và quyết định thật kỹ.

4. Tạo slogan

Một slogan hấp dẫn sẽ mang tính mô tả, ngắn gọn súc tích về thương hiệu của bạn. Khi Branding, bạn có thể sử dụng làm khẩu hiệu trong mô tả tiểu sử trên mạng xã hội, sử dụng làm tiêu đề trang web, danh thiếp và bất kỳ nơi nào mà bạn cần một câu từ đủ ngắn để tạo được sự va chạm.

Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể thay đổi khẩu hiệu của mình khi bạn tìm thấy góc độ tiếp thị mới — Pepsi đã trải qua hơn 30 khẩu hiệu trong vài thập kỷ qua.

Một slogan tốt là ngắn gọn, hấp dẫn và gây ấn tượng mạnh. Dưới đây là một số cách để tiếp cận việc viết một slogan của riêng bạn:

  • Một phép ẩn dụ. Redbull: “Redbull gives you wings.”
  • Chấp nhận thái độ của khách hàng. Nike: “Just do it"
  • Một đòn bẩy.  Cards Against Humanity: “A party game for horrible people.”
  • Gieo vần. Folgers Coffee: “The best part of waking up is Folgers in your cup.”
  • Mô tả nó theo nghĩa đen. Aritzia: “Women’s fashion boutique.”

5. Chọn giao diện thương hiệu (màu sắc và phông chữ)

Sau khi đặt tên, bạn sẽ cần nghĩ về các yếu tố trực quan sẽ đại diện cho thương hiệu của bạn, cụ thể là màu sắc và phông chữ. Điều này sẽ có ích khi bạn bắt đầu tạo trang web của riêng mình.

Lựa chọn màu sắc

Màu sắc không chỉ xác định giao diện thương hiệu của bạn mà còn truyền tải cảm giác bạn muốn truyền đạt. Giúp bạn xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu nhất quán.

Bạn sẽ muốn chọn màu sắc khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hãy nhìn Pepsi và Coca, hai thương hiệu nước giải khát màu luôn sử dụng sắc màu riêng của mình. Pepsi là màu xanh tươi năng động còn Coca là màu đỏ ấm áp.

Xây dựng thương hiệu với màu sắc của Coca (đỏ) và Pepsi (xanh)
Xây dựng thương hiệu với màu sắc của Coca (đỏ) và Pepsi (xanh)

Chọn phông chữ

Tại thời điểm này, bạn cũng nên xem xét các phông chữ mà bạn có thể muốn sử dụng trên trang web của mình.

Chọn tối đa hai phông chữ để tránh gây nhầm lẫn cho khách truy cập: một cho tiêu đề và một cho nội dung văn bản (điều này không bao gồm phông chữ bạn có thể sử dụng trong biểu trưng của mình).

Kết hợp font chữ khi xây dựng thương hiệu
Kết hợp font chữ khi xây dựng thương hiệu

Bạn có thể sử dụng  Font Pair  để lựa chọn phông chữ nào là phù hợp với nhau.

6. Thiết kế logo

Thiết kế logo công ty có lẽ là một trong những điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi bạn nghĩ về việc xây dựng thương hiệu, vì lý do: đó là bộ mặt của công ty bạn và có thể có ở mọi nơi mà thương hiệu của bạn tồn tại.

Lý tưởng nhất là bạn sẽ muốn một biểu trưng độc đáo, có thể nhận dạng và có thể sử dụng ở mọi kích thước (mặc dù điều này thường bị bỏ qua).

Xem xét tất cả những nơi mà biểu tượng thương hiệu của bạn cần tồn tại: từ trang web, ảnh hồ sơ trên trang Facebook, kênh Youtube cho đến cả những biểu tượng nhỏ trong website của mình.

Ví dụ: nếu bạn có logo text làm hình đại diện Instagram, thì hầu như không thể đọc được. Để làm cho sự nhận diện của bạn dễ dàng hơn, hãy tạo một phiên bản hình vuông của logo của bạn với một phần của logo để nó dễ nhận biết ngay cả ở kích thước nhỏ hơn.

Biểu tượng: Starbucks

Logo thương hiệu Starbucks
Logo thương hiệu Starbucks

Biểu trưng biểu tượng thường có hình tròn và kết hợp văn bản với biểu tượng để tạo ra một cái nhìn đậm nét và vương giả.

Tuy nhiên, nếu thiết kế quá phức tạp, chúng có thể mất tác động khi bạn thu nhỏ chúng xuống. Nhưng làm đúng cách, chúng có thể đóng vai trò ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu và tạo nên một phong cách logo đáng nhớ.

7. Áp dụng thương hiệu của bạn trên toàn bộ doanh nghiệp

Áp dụng thương hiệu của bạn trên toàn bộ doanh nghiệp của bạn mang lại cho nó một câu chuyện thương hiệu gắn kết. Câu chuyện thương hiệu thể hiện doanh nghiệp của bạn là ai và nó đại diện cho điều gì. Nó tạo tiền đề cho mọi tương tác mà khách hàng có với thương hiệu của bạn, tại cửa hàng và trực tuyến.

Những người lần đầu tiên mua sắm trên cửa hàng trực tuyến thường tìm kiếm sứ mệnh và mục đích của doanh nghiệp để xem tìm hiểu về doanh nghiệp đó. Họ sẽ chuyển sang trang “Giới thiệu” để tìm hiểu thêm về doanh nghiệp mà họ đang mua hàng đang vận hành thế nào.

Nếu doanh nghiệp của bạn có một câu chuyện thương hiệu, hãy kể nó, vì nó có thể giúp người mua hàng cảm thấy yên tâm rằng bạn là một doanh nghiệp hợp pháp.

Để tạo nên một câu chuyện thương hiệu, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi:

  • Động lực nào khiến bạn bắt đầu kinh doanh?
  • Tại sao doanh nghiệp của bạn lại tồn tại?
  • Làm thế nào để đóng góp giá trị cho thế giới?
  • Câu chuyện đằng sau doanh nghiệp mà khách hàng nên biết là gì?

Không phải mọi doanh nghiệp đều hướng đến sứ mệnh, nhưng nếu doanh nghiệp của bạn có sứ mệnh hoặc giá trị, hãy chia sẻ câu chuyện thương hiệu của bạn và cho khách hàng biết lý do tại sao doanh nghiệp được thành lập.

Hãy nhìn vào các doanh nghiệp TOMS và Coca-Cola, thương hiệu đầu tiên là một thương hiệu định hướng sứ mệnh, thương hiệu thứ hai thì không quá nhiều.

TOMS Shoes, một công ty giày dép và phụ kiện, kinh doanh để cải thiện cuộc sống. Chương trình từ thiện đầu tiên của TOMS , One for One, nơi quyên góp giày cho những đứa trẻ khó khăn. Gần đây, TOMS cũng đã quyên góp cho Quỹ trao tặng toàn cầu COVID-19. Do đó, khi người mua hàng mua một sản phẩm từ TOMS, họ có thể cảm thấy hài lòng vì họ đang giúp đỡ cho những người khác.

Blake Mycoskie: nhà sáng lập Toms Shoes
Blake Mycoskie: nhà sáng lập Toms Shoes

Coca-Cola, một công ty kinh doanh nước giải khát được công nhận trên toàn cầu, không dựa trên sứ mệnh tốt cho xã hội hay môi trường, nhưng nó thu hút thị trường mục tiêu của mình thông qua việc xây dựng thương hiệu tập trung vào việc mang lại cho bạn trải nghiệm thú vị, hạnh phúc và kết nối. Một khách hàng của sản phẩm Coca-Cola có thể cảm thấy như thể họ được kết nối với xã hội, với bạn bè hoặc những người thân yêu nếu họ thưởng thức sản phẩm với những người bạn đó.

Quảng cáo của Coca Cola
Quảng cáo của Coca Cola

Người mua sắm trực tuyến không có điều kiện chạm và cảm nhận sản phẩm họ mua, vì vậy những yếu tố trực quan của thương hiệu là cực kỳ quan trọng. 

Để xây dựng thương hiệu mạnh thì tất cả yếu tố của thương hiệu phải nhất quán và hài hòa, chẳng hạn như thiết kế trang web, phông chữ và kiểu chữ, bảng màu, thiết kế logo và quảng cáo cũng như trải nghiệm đóng gói và mở hộp mà bạn tạo ra.

Mặc dù bạn có rất ít quyền kiểm soát đối với cảm nhận của khách hàng về thương hiệu của mình, nhưng bạn nên cố gắng hết sức để đảm bảo mọi tương tác và điểm chạm mà bạn có với khách hàng đều phù hợp với thông điệp thương hiệu và hình ảnh thương hiệu của bạn.

69% người tiêu dùng nói rằng điều quan trọng nhất mà các thương hiệu có thể làm để cải thiện trải nghiệm của họ là “hiểu họ”. Điều này sẽ bao gồm tất cả mọi thứ từ chính sách trả hàng của bạn, sắp xếp vận chuyển đến thông tin tiếp thị qua email và hơn thế nữa.

Lời kết

Một sản phẩm là bất cứ thứ gì được cung cấp cho thị trường nhằm mục đích đáp ứng mong muốn hoặc nhu cầu của con người, nó có thể bao gồm hàng hóa vật chất, dịch vụ, trải nghiệm, sự kiện, con người, địa điểm, tài sản, tổ chức, thông tin và ý tưởng.

Thương hiệu là tất cả các giá trị vô hình và hữu hình doanh nghiệp đã xây dựng, là những gì hiện lên trong tâm trí khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, giao hàng, đội ngũ nhân viên, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành,…

Xây dựng thương hiệu (Branding) là quá trình xây dựng nhận thức tích cực về doanh nghiệp, sản phẩm hoặc dịch vụ trong tâm trí khách hàng bằng cách kết hợp các yếu tố như logo, thông điệp thương hiệu, tuyên bố sứ mệnh và một chủ đề nhất quán trong tất cả các hoạt động truyền thông tiếp thị.

Xây dựng thương hiệu có vai trò quan trọng đối với một doanh nghiệp vì nó tác động tổng thể lên doanh nghiệp bạn: Thu hút khách hàng, Tạo được sự tự hào cho nhân viên, Tạo niềm tin trong thị trường, Cải thiện quảng cáo của doanh nghiệp, Nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Quy trình 7 bước để xây dựng thương hiệu: Nghiên cứu đối tượng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh, Xây dựng tính cách thương hiệu, Chọn tên doanh nghiệp, Tạo slogan, Chọn giao diện thương hiệu (màu sắc và phông chữ), Thiết kế logo, Áp dụng thương hiệu của bạn trên toàn bộ doanh nghiệp.


Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết cùng chủ đề

Kiến thức thương hiệu

Tông giọng thương hiệu là gì? 5 bước tạo tông giọng thương hiệu ấn tượng

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202112 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Định vị thương hiệu? 9 phương pháp định vị thương hiệu cơ bản

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202113 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 5 bước để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202110 phút đọc

Khám phá toàn bộ nội dung

Cùng Brand Doctor khám phá kiến thức