Nguyễn Khánh Trung

02/11/2021

Thương hiệu là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp.

Bởi vì sao?

Không phải ngẫu nhiên một chai nước hoa No.1 Imperial Majesty của Clive Christian có giá khoảng 3 tỉ VNĐ, hay một đôi giày Jordan x Dior Air Jordan 1 High sneakers có giá hàng ngàn đô.

No.1 Imperial Majesty của Clive Christian và Jordan x Dior Air Jordan 1 High sneakers
No.1 Imperial Majesty của Clive Christian và Jordan x Dior Air Jordan 1 High sneakers

Khách hàng không chỉ mua sản phẩm, họ mua thương hiệu.

Một thương hiệu là tập hợp các giá trị vô hình và hữu hình của doanh nghiệp, thể hiện tính cách của thương hiệu và từ đó, nó kể về một câu chuyện - thương hiệu - khác biệt.

Thương hiệu là gì?

Theo Hiệp hội Marketing Mỹ đã định nghĩa: “Thương hiệu (Brand) là tên gọi, biểu tượng, dấu hiệu, kiểu dáng hoặc sự phối hợp tất cả các yếu tố này để có thể nhận biết hàng hoá hoặc dịch vụ của một người bán cũng như phân biệt nó với hàng hoá hay dịch vụ của những người bán khác”.

Và một định nghĩa khác của CEO của Amazon – Jeff Bezos đã đưa ra: “Thương hiệu của bạn sẽ là những gì người ta nói về khi bạn không ở đó.” 

Có nhiều định nghĩa về thương hiệu. 

Tôi cũng hiểu thương hiệu như sau: “Thương hiệu là tất cả các giá trị vô hình và hữu hình doanh nghiệp đã xây dựng, là những gì hiện lên trong tâm trí khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, giao hàng, đội ngũ nhân viên, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành,...”

Một số thương hiệu hàng đầu trên thế giới
Một số thương hiệu hàng đầu trên thế giới

Phân loại thương hiệu

Việc xác định loại hình thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Bởi mỗi loại thương hiệu sẽ có những đặc tính khác nhau. 

Cũng như trong quá trình xây dựng, các nhà chiến lược phải vạch ra chiến lược kinh doanh và chiến lược thương hiệu hoàn toàn khác biệt.

Có nhiều loại hình doanh nghiệp, nhưng có 5 loại hình phổ biến nhất được mọi người chú ý đến: thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cá nhân, thương hiệu chứng nhận và thương hiệu riêng.

1. Thương hiệu công ty/ Thương hiệu doanh nghiệp:

Là thương hiệu dùng chung cho tất cả các hàng hoá dịch vụ của một doanh nghiệp, một loại hàng của doanh nghiệp có chủng loại khác nhau nhưng vẫn mang cùng một thương hiệu.

Mọi người cũng thường nhầm lẫn thương hiệu với logo, khẩu hiệu, hoặc các dấu hiệu khác, nhưng bạn phải nhớ một điều, những điều đó là những công cụ tiếp thị giúp quảng bá hàng hóa và dịch vụ.

Ví dụ: Thương hiệu Pepsi bao gồm một loạt các sản phẩm đồ uống và sản phẩm với tổng cộng 22 nhãn hiệu, tạo ra khoản 1 tỷ đô la mỗi doanh thu bán lẻ hàng năm.

Thương hiệu Pepsi và các nhãn hiệu
Thương hiệu Pepsi và các nhãn hiệu

2. Thương hiệu sản phẩm

Thương hiệu sản phẩm là thương hiệu của một nhóm hay một chủng loại sản phẩm nào đó do doanh nghiệp sản xuất hoặc do các doanh nghiệp khác nhau cùng sản xuất và kinh doanh.

Thương hiệu sản phẩm thường có thể do các doanh nghiệp trong cùng một khu vực địa lý, gắn bó với chỉ dẫn địa lý khu vực đó và cùng sản xuất hàng hóa có tên gọi dưới cùng một thương hiệu.

Thường thì khi nhắc đến thương hiệu sản phẩm người ta cũng đề cập đến các sản phẩm riêng lẻ của một công ty và nói rằng nó là nền tảng để xây dựng thương hiệu của công ty đó.

Hiệp hội Cognac do các công ty khác nhau ở Pháp như Henessy, XO, Napoleon… thành lập đã cùng tạo ra rượu mạnh Cognac.

Một số phân loại của rượu Cognac
Một số phân loại của rượu Cognac

3. Thương hiệu cá nhân

Thương hiệu cá nhân là tổng hợp những gì bạn trình bày cho thế giới xung quanh thấy. Đó là sự kết hợp của kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách của bạn.

Thương hiệu cá nhân bao gồm tất cả những gì mọi người đánh giá về bạn: ngoại hình, cách cư xử, lời nói, thái độ và cả nghề nghiệp, thậm chí vẫn còn rất nhiều điều khác mà mọi người có thể đánh giá về bạn.

Khi bạn xây dựng được thương hiệu cá nhân, điều đó sẽ rất giúp ích cho doanh nghiệp của bạn. Bởi vì khách hàng lựa chọn tin tưởng những người họ biết, đây cũng là một lý do khiến việc quảng bá bằng người nổi tiếng rất có ảnh hưởng ngày nay.

Song, thương hiệu cá nhân có hai loại: cho một người cụ thể hoặc là một hình tượng nhân vật hư cấu.

Ở Apple, Steve Jobs đã sử dụng thương hiệu cá nhân rất tốt để quảng bá cho "Trái táo khuyết" của mình. Tương tự, thương hiệu cá nhân của Elon Musk có lẽ được biết đến nhiều hơn thương hiệu tập đoàn của Tesla.

Steve Jobs (trái) và Elon Musk (phải)
Steve Jobs (trái) và Elon Musk (phải)

4. Thương hiệu chứng nhận

Thương hiệu này chuyên làm công việc chứng nhận cho các thương hiệu khác.

Một ví dụ điển hình là chứng chỉ chất lượng ISO 9001, chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, hay chương trình thương hiệu quốc gia Vietnam Value Inside là nhãn hiệu của nhãn hiệu hay còn gọi là thương hiệu chứng nhận.

Các thương hiệu chứng nhận giúp các doanh nghiệp đem lại nhiều giá trị, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, cũng như rất thành công trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Chứng chỉ ISO 9001:2015
Chứng chỉ ISO 9001:2015

5. Thương hiệu riêng

Thương hiệu riêng hay còn được nhãn hàng riêng là thương hiệu sản phẩm của nhà phân phối. Có thể hiểu thương hiệu riêng cũng là hàng hóa được sản xuất và bán dưới tên của một nhà bán lẻ cụ thể, cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu.

Nhãn hàng riêng ngày càng phổ biến trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày nay. Song trên thị trường, giá của các nhãn hiệu riêng có xu hướng thấp hơn giá của hàng hóa thương hiệu được công nhận trên toàn quốc.

Điển hình là Saigon Co.op đã liên kết với 45 nhà sản xuất như công ty Kinh Đô, công ty bột giặt Lix, giấy Sài Gòn, dệt Phong Phú, công ty Sanmiguel,... để sản xuất những nhãn hàng riêng, đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của khách hàng như các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, gạo, trứng, thực phẩm chế biến cho đến hóa phẩm thời trang.

Một số thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op
Một số thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op

Các yếu tố tạo nên thương hiệu

1. Hệ thống nhận diện thương hiệu (Brand Identity)

Bộ nhận diện thương hiệu là cách mọi người nhận biết thương hiệu, phải thể hiện được tính cách thương hiệu, tầm nhìn, sứ mệnh và định vị của nó. Nó có thể thông qua logo, icon, typo hoặc các hình ảnh liên quan khác. 

Sự nhất quán của Hệ thống nhận diện Thương hiệu và việc sử dụng các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, người mua và người bán trở nên khắng khít hơn. Nó là yếu tố quan trọng để quyết định khả năng ghi nhớ của khách hàng.

Ví dụ điển hình là Logo Swoosh của Nike rất đơn giản, nhưng được nhận biết ngay lập tức trên toàn thế giới cùng với dòng chữ “Just Do It”. Nike đã có những thay đổi trong Logo của mình qua các giai đoạn, nhưng sự thống nhất được hệ thống nhận diện thương hiệu của nó xây dựng khiến toàn thế giới nhận diện nó.

Logo Swoosh của Nike
Logo Swoosh của Nike

2. Hình ảnh thương hiệu (Brand Image)

"Hình ảnh là tập hợp niềm tin, ý tưởng và ấn tượng mà một người nắm giữ liên quan đến một đối tượng"

Philip Kotler

Hình ảnh thương hiệu là hình ảnh trong nhận thức về thương hiệu lên ở tâm trí khách hàng. Nó thể hiện những gì họ mong đợi từ thương hiệu, cũng như những gì doanh nghiệp đã truyền tải đến công chúng. Hay nói cách khác, hình ảnh thương hiệu là cách mà khách hàng nghĩ về một thương hiệu của doanh nghiệp.

Các khách hàng khác nhau cảm nhận một thương hiệu cũng khác nhau. Do đó, việc hình thành một hình ảnh thương hiệu nhất quán là một nhiệm vụ rất lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Xây dựng được một hình ảnh thương hiệu tốt mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: thu hút khách hàng, dễ dàng khiến họ chấp nhận những sản phẩm mới, tạo được sự trung thành của khách hàng và cũng như làm mối quan hệ giữa doanh nghiệp với đối tượng tiềm năng của mình gần gũi hơn.

Ví dụ, Rolls Royce có hình ảnh của một nhà sản xuất xe hơi sang trọng. Vì vậy trên thị trường, nó không thể được tạo ra một chiếc xe bình dân được. Dòng xe hạng sang này luôn được biết đến với những chiếc xe hơi cao cấp và gần như chỉ có những đại gia siêu giàu mới sở hữu con siêu xe này.

Xe hơi của thương hiệu Rolls Royce
Xe hơi của thương hiệu Rolls Royce

3. Định vị thương hiệu (Brand positioning)

Định vị thương hiệu là xác định những phân khúc của thị trường mà doanh nghiệp nhắm đến. Nó là vị trí của doanh nghiệp, của cá nhân hiện hữu trong tâm trí của khách hàng, giúp thương hiệu khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Tâm trí của khách hàng trong thị trường hiện nay dường như có quá nhiều thông tin, mỗi ngày đều có hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập thì các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc định vị thương hiệu của bản thân trong mắt khách hàng.

Để định vị thương hiệu thành công phải chiếm được vị trí trong tâm trí của khách hàng, sau đó dựa vào nó để có thể tung ra những chiến thuật chiến lược rồi từng bước dẫn đầu thị trường.

Định vị thương hiệu cho phép một công ty tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Sự khác biệt này giúp khách hàng tăng nhận thức về thương hiệu, truyền tải các thông điệp, hình ảnh, giá trị cốt lõi của khách hàng đến với doanh nghiệp.

Có thể kể đến, Cà Phê Legend Passiona 4in1 Trung Nguyên - Cà Phê Cho Phái Đẹp được Trung Nguyên Legend phát triển dành riêng cho nữ giới.

Cà Phê Legend Passiona 4in1 Trung Nguyên - Cà Phê Cho Phái Đẹp của Trung Nguyên Legend
Cà Phê Legend Passiona 4in1 Trung Nguyên - Cà Phê Cho Phái Đẹp của Trung Nguyên Legend

4. Tính cách thương hiệu (Brand Personality)

Tính cách thương hiệu cũng giống như tính cách của con người. Đó là cảm xúc và phẩm chất của doanh nghiệp đã liên kết và thể hiện ra trên thương hiệu của mình.

Tính cách thương hiệu của một doanh nghiệp khác với hình ảnh của nó. Hình ảnh là một loạt các tài sản sáng tạo truyền đạt những lợi ích hữu hình của thương hiệu của công ty đó. Ngược lại, tính cách thương hiệu của một công ty trực tiếp tạo ra những liên tưởng liên quan đến cảm xúc trong tâm trí của nhóm khách hàng tiềm năng.

Theo nghiên cứu “Phân tích thế mạnh và tính cách” của BrandZ toàn cầu trên 14000 thương hiệu, 20 nét tính cách tiêu biểu được kết hợp lại trong 10 hình mẫu thương hiệu. Có thể kể đến 3 tính cách trong đó như:

  • Nhà thông thái: sự thông minh, khôn ngoan, hiểu biết như Google, Visa,...
  • Đức vua: Kiểm soát, khôn ngoan, đáng tin như IBM, Royal Bank of Canada
  • Người quyến rũ: Sự cuốn hút và khác biệt như Louis Vuition, L’Oreal…

Để dễ hiểu hơn có thể nghe đến hai thương hiệu nổi tiếng là Coca Cola và Pepsi. Về tính cách của hai thương hiệu này có sự khác biệt rõ ràng. Người ta thường thấy Coca Cola có màu đỏ và những hình ảnh gắn liền với gia đình, bạn bè cùng sự gắn kết, mang một nét hoài cổ, cổ điển. Còn nói về Pepsi, sẽ thấy sự trẻ trung năng động, một màu xanh vui tươi và thể hiện sự trendy, mới mẻ.

Quảng cáo mang màu sắc riêng của 2 thương hiệu Coca và Pepsi
Quảng cáo mang màu sắc riêng của 2 thương hiệu Coca và Pepsi

5. Tài sản thương hiệu (Brand Equity)

Tài sản thương hiệu là giá trị của một thương hiệu.Nó có thể bao gồm giá trị tài chính hữu hình như thị phần và doanh thu cũng như các khía cạnh vô hình như lợi ích chiến lược của thương hiệu.

Nếu một doanh nghiệp có tài sản thương hiệu mạnh, khách hàng sẽ chấp nhận mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp ấy với giá cao. Hơn nữa, nếu khách hàng có trải nghiệm tốt với thương hiệu, họ sẽ thường xuyên mua sản phẩm hoặc dịch vụ hơn và sẽ giới thiệu thương hiệu cho những người mà họ quen biết. Khi đó, cũng sẽ gia tăng được mức độ nhận diện thương hiệu.

Apple là một thương hiệu công nghệ lớn và người ta thường nhớ đến nó với những chiếc điện thoại thông tin, nhiều ứng dụng và độ bảo mật tuyệt đối. Vì vậy, không chỉ dựa vào doanh số bán hàng mà Apple có được vị trí ngày hôm nay, điều đó còn phụ thuộc vào những hình ảnh mà Apple đã xây dựng và luôn luôn tập trung vào điều đó.

Logo thương hiệu Apple qua các giai đoạn
Logo thương hiệu Apple qua các giai đoạn

6. Trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience)

Trải nghiệm thương hiệu là sự kết hợp của mọi thứ (như cửa hàng, website, social, email, call,...) mà khách hàng trải qua khi mua và sử dụng thương hiệu. 

Thông qua sự kết hợp của nhiều phương thức khác nhau mà khách hàng sử dụng để tương tác với thương hiệu , các doanh nghiệp phải cố gắng tạo ra một bầu không khí thiện chí, đáng tin cậy để tạo mối liên hệ kết nối giữa thương hiệu với đối tượng đó. Điều đó sẽ gợi lên được cảm xúc cho khách hàng, khiến họ trung thành với thương hiệu hơn.

Ví dụ, khi chúng ta sử dụng dịch vụ Grab, trải nghiệm được thể hiện ở cách hành xử của người lái xe, tốc độ di chuyển, quá trình thanh toán và cả những lần sử dụng dịch vụ tiếp theo. Bởi vì Grab là hãng xe công nghệ hàng đầu tại Việt Nam nên hầu hết khách hàng đều hi vọng được trải nghiệm tốt nhất mỗi khi sử dụng dịch vụ.

Văn hóa Bác tài Grab 4 bánh “Chuyên Nghiệp – An Toàn – Văn Minh – Trung Thực”
Văn hóa Bác tài Grab 4 bánh “Chuyên Nghiệp – An Toàn – Văn Minh – Trung Thực”

7. Sự khác biệt hóa thương hiệu (Brand Differentiation)

Sự khác biệt hóa thương hiệu là phương pháp mà thương hiệu của bạn tạo nên sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, bằng cách kết hợp khía cạnh hoạt động vượt trội của thương hiệu với nhiều lợi ích của khách hàng.

Sự khác biệt hóa thương hiệu cũng nên tập trung vào những gì bạn có thể cung cấp cho khách hàng của mình. Về bản chất, để phân biệt mình với các nhà bán lẻ tương tự, bạn cần có khả năng cung cấp thứ mà đối thủ của bạn không có.

Sự khác biệt là vô nghĩa nếu nó không mang đến lợi ích cho khách hàng, bởi khách hàng quan tâm đến vấn đề của họ hơn là sản phẩm của bạn.

Ví dụ, Máy tính Dell cho phép mọi người chọn các thành phần của họ và lắp ráp hệ thống của riêng họ, do đó làm cho nó khác biệt so với những người khác chỉ bán máy làm sẵn tại cửa hàng mà không có phạm vi để tùy chỉnh.

Máy tính của thương hiệu DELL
Máy tính của thương hiệu DELL

8. Truyền thông thương hiệu (Brand Communication)

Truyền thông thương hiệu là thông điệp của doanh nghiệp được truyền tải thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, nhằm tạo dựng niềm tin hay thay đổi suy nghĩ, quan điểm của khách hàng theo hướng doanh nghiệp mong muốn.

Khi những yếu tố về thương hiệu được sắp đặt bài bản, hình ảnh, câu từ trau chuốt và truyền tải một cách đồng nhất sẽ tạo được cảm xúc gắn kết với khách hàng hơn. Và, hãy truyền thông ở mọi nơi mà khách hàng có thể tìm thấy, luôn luôn hiện diện cũng là một cách để hình ảnh trở nên quen thuộc với khách hàng hơn.

Coca Cola đã sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội để truyền tải về thông điệp thương hiệu đến với khách hàng, xây dựng nên một thương hiệu vững mạnh.

Một số nền tảng mạng xã hội Coca Cola tham gia
Một số nền tảng mạng xã hội Coca Cola tham gia

9. Văn hoá doanh nghiệp (Company Culture)

Văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là một tập hợp các giá trị, mục tiêu, thái độ và hoạt động, mục tiêu được chia sẻ của tổ chức một tổ chức.

Một văn hóa văn nghiệp bền vững sẽ tạo được sự liên kết mạnh mẽ của các thành viên trong công ty, tạo động lực cho nhân viên làm việc cống hiến. Văn hóa doanh nghiệp cũng tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp này so với tất cả doanh nghiệp khác.

Văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn Samsung chú trọng nhất chính là con người. Lee Kun Hee - Cố CEO của tập đoàn đã quan niệm: "Doanh nghiệp chính là con người", nên Samsung muốn xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp gắn với con người.

Cố Chủ tịch tập đoàn Samsung: Lee Kun Hee (1942-2020)
Cố Chủ tịch tập đoàn Samsung: Lee Kun Hee

10. Mở rộng thương hiệu (Brand Extension)

Về cơ bản, mở rộng thương hiệu là dùng những nguồn lực hiện có để mở rộng sản phẩm, mở rộng thị trường hoặc mở rộng sang ngành khác, khám phá các lĩnh vực mới hơn. Những sản phẩm mới có thể liên quan hoặc không liên quan trực tiếp tới các thương hiệu đã có sẵn.

Hơn nữa, doanh nghiệp có thể thúc đẩy sản phẩm của thương hiệu mình tới những thị trường mới. Từ đó, doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng, tăng lợi nhuận sản xuất và nâng cao danh tiếng cho mình.

Google bắt đầu như một công cụ tìm kiếm. Nhưng bây giờ nó cung cấp nhiều dịch vụ khác bao gồm email và hệ điều hành di động. Google có được thông tin về thị trường thông qua các hoạt động tìm kiếm và điều đó đã cho phép Google phát triển các dịch vụ khác như phim ảnh,...

google workspace
Google Workspace

Lợi ích của thương hiệu

  • Sự nhận biết thương hiệu: Điều này có nghĩa là khi khách hàng đang mua sắm một sản phẩm cụ thể hoặc xem xét một công ty để thực hiện một dịch vụ, họ nhận ra công ty của bạn. Khách hàng có nhiều khả năng sẽ lựa chọn mặt hàng của bạn vì nó đem lại cho họ cảm giác thân thuộc.
  • Khả năng cạnh tranh trên thị trường: Thương hiệu của bạn là thứ tạo nên sự khác biệt cho bạn trên thị trường. Trên thị trường chứng khoán, các thương hiệu có tên tuổi hoặc biết cách đánh bóng bản thân luôn có giá cao hơn thương hiệu cùng loại.
  • Dễ dàng giới thiệu sản phẩm mới: Khi chiếm được lòng tin của khách hàng, sẽ dễ dàng để khiến họ chấp nhận những dòng sản phẩm mới của doanh nghiệp hơn.
  • Tạo niềm tự hào cho nhân viên thuộc doanh nghiệp: khi nhân viên tự hào về chính thương hiệu của doanh nghiệp, sẽ thôi thúc họ cống hiến hết sức mình và làm việc ngày càng hiệu quả. Thậm chí thương hiệu mạnh còn à niềm tự hào của một đất nước như Coca Cola là niềm tự hào của toàn nước Mỹ và Toyota là niềm tự hào của người Nhật Bản,...
  • Đòn bẩy thu hút nhân tài và giữ họ về doanh nghiệp hoạt động lâu dài.
  • Nâng cao uy tín: thương hiệu càng đáng tin cậy càng chiếm được lòng tin của khách hàng, từ đó sẽ dễ dàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
  • Thương hiệu là hướng phát triển bền vững: nếu so sánh với lợi thế công nghệ dễ thay đổi thì chọn thương hiệu để phát triển bền vững hơn nhiều.

Những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam

1. Viettel

Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới, và là thương hiệu giá trị nhất tại Việt Nam.

Thương hiệu Viettel
Thương hiệu Viettel

2. Vinamilk

Năm 2020, giá trị thương hiệu Vinamilk được Forbes Việt Nam công bố là 2,4 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2019.

Doanh thu của Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk
Doanh thu của Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk

3. VNPT

Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2020 do Forbes Việt Nam công bố đạt hơn 12,6 tỷ USD.

VNPT: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
VNPT: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

4. Sabeco

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, tên giao dịch SABECO, là một doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam. Giá trị thương hiệu của Sabeco được tính toán là: 509,8 triệu USD.

Các sản phẩm của doanh nghiệp sabeco
Các sản phẩm của doanh nghiệp Sabeco

5. Vinhome

Với giá trị thương hiệu đạt 413 triệu USD, Vinhomes là đại diện bất động sản duy nhất trong top 5 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam 2020 do Tạp chí Forbes Việt Nam xếp hạng.

Hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup

Sự khác nhau của thương hiệu và nhãn hiệu

Theo điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. 

Nhắc lại về định nghĩa thương hiệu ở đầu bài viết: “Thương hiệu là tất cả các giá trị vô hình và hữu hình doanh nghiệp đã xây dựng, là những gì hiện lên trong tâm trí khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, giao hàng, đội ngũ nhân viên, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành,...”

Tiêu chíThương hiệuNhãn hiệu
Pháp lýKhông được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt NamĐược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Vật chấtTồn tại trong tâm trí người tiêu dùngNhận diện qua hình ảnh, biểu tượng,…
Thời gian tồn tạiLâu dài và không xác định được thời gian tồn tại cụ thể.Có thời hạn, chủ sở hữu có thể xin gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là 10 năm.

Một thương hiệu sẽ bao hàm nhiều sản phẩm hàng hóa khác nhau, mỗi loại hàng hóa lại có một nhãn hiệu riêng.

Ví dụ là thương hiệu Unilever nổi tiếng tại Việt Nam có 3 dòng sản phẩm, chiếm hơn 400 nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, có thể kể đến như: OMO, Surf, Lux, Dove, Hazeline, Ponds, P/S, Close Up, Vim, Cif, Sunsilk, Sunlight,...

Thương hiệu Unilever và các nhãn hiệu của doanh nghiệp
Thương hiệu Unilever và các nhãn hiệu của tập đoàn

Lời kết

Thương hiệu là tài sản vô hình to lớn của doanh nghiệp. Thương hiệu là tất cả các giá trị vô hình và hữu hình doanh nghiệp đã xây dựng, là những gì hiện lên trong tâm trí khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, giao hàng, đội ngũ nhân viên, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành,....

5 phân loại thương hiệu phổ biến nhất được mọi người chú ý đến: thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cá nhân, thương hiệu chứng nhận và thương hiệu riêng.

10 yếu tố tạo nên thương hiệu gồm có: Hệ thống nhận diện thương hiệu (Brand Identity), Hình ảnh thương hiệu (Brand Image), Định vị thương hiệu (Brand Positioning), Tính cách thương hiệu (Brand Personality), Tài sản thương hiệu (Brand Equity), Trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience), Sự khác biệt hóa thương hiệu (Brand Differentiation), Truyền thông thương hiệu (Brand Communication), Văn hoá doanh nghiệp (Company Culture), Mở rộng thương hiệu (Brand Extension).

Lợi ích của thương hiệu: Sự nhận biết thương hiệu, Khả năng cạnh tranh trên thị trường, Dễ dàng giới thiệu sản phẩm mới, Đòn bẩy thu hút nhân tài, Nâng cao uy tín, Thương hiệu là hướng phát triển bền vững.

Những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam: Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhome,...

Hãy theo dõi kênh Facebook của Brand Doctor: Brand Doctor Group, để cập nhật những tin tức mới nhất và nhanh nhất.

Bạn có thể tham khảo cách đánh giá Sức mạnh Thương hiệu tại bài viết:
Chỉ số SBI là gì? Làm sao sử dụng Chỉ số SBI để tạo giá trị cho bàn cờ kinh doanh


Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết cùng chủ đề

Kiến thức thương hiệu

Tông giọng thương hiệu là gì? 5 bước tạo tông giọng thương hiệu ấn tượng

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202112 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Định vị thương hiệu? 9 phương pháp định vị thương hiệu cơ bản

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202113 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 5 bước để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202110 phút đọc

Khám phá toàn bộ nội dung

Cùng Brand Doctor khám phá kiến thức