Nguyễn Khánh Trung

26/09/2021

Những cuộc chiến xây dựng thương hiệu thú vị nhất thế giới gọi tên những thương hiệu hàng đầu.

Tốn vô số giấy mực của giới truyền thông là Coca Cola và Pepsi.

Không kém cạnh là màn khẩu chiến xuyên thế kỷ của BMW và Audi.

Thương trường như chiến trường. 

Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách tồn tại và phát triển. Dù đó là thị trường quốc tế hay thị trường trong nước. Vì theo thống kê tại Việt Nam, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường mỗi năm.

Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và hoàn tất giải thể (2013-2021)
Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và hoàn tất giải thể (2013-2021)

Vấn đề tồn tại luôn luôn bài toán nan giải trong kinh doanh của các doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường.

Vậy làm sao để tồn tại khi mỗi ngày đều có hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập. Doanh nghiệp bạn sẽ đứng ở đâu trong đó?

Nhắm mắt lại và nghĩ đến thương hiệu, xuất hiện trong đầu bạn có thể là Apple, Nike, Coca Cola, BMW,... những hình ảnh hiện lên trong đầu bạn chính là câu trả lời được các thương hiệu lớn tìm ra và xây dựng để tồn tại và phát triển.

Chúng ta sẽ không ai nhầm lẫn một hộp sữa Milo và một hộp Ovaltine. Đó là hai thương hiệu khác biệt hoàn toàn, bởi nó đem lại cho chúng ta những cảm giác và hình ảnh không giống nhau.

Milo và Ovaltine
Milo và Ovaltine

Thế, làm sao để xây dựng thương hiệu khác biệt? Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu, thương hiệu là gì.

Thương hiệu là gì?

Thương hiệu là tất cả những cảm xúc, tông giọng và sự cảm nhận hiện lên trong tâm trí của khách hàng đã được doanh nghiệp xây dựng và khơi gợi lên. 

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là tên gọi, một câu khẩu hiệu hay một biểu tượng của doanh nghiệp, nó là tổng thể tất cả giá trị vô hình của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng ở mọi khía cạnh như: chất lượng sản phẩm/dịch vụ, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, đội ngũ nhân viên,...

Vingroup xây dựng thương hiệu thành công và hệ sinh thái của tập đoàn
Hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup

Vingroup là một thương hiệu đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Vingroup cũng là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất châu Á với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 16 tỷ đô la Mỹ. Vingroup đã rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu của mình khác biệt với giá trị cốt lõi “Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân”

Đồng thời, khi nghe đến thương hiệu, ta lại càng nghe nhiều hơn về thương hiệu khác biệt. Bởi thương hiệu nếu không tìm được sự khác biệt, sẽ khó giữ được sự trung thành của khách hàng và thị phần sẽ luôn biến động.

Do đó, khác biệt là đáp án duy nhất của sự trường tồn trong bàn cờ kinh doanh.

Thương hiệu khác biệt là gì?

Thương hiệu khác biệt là tạo ra hoặc thể hiện tính chất độc đáo của thương hiệu trên cơ sở tham chiếu với đối thủ cạnh tranh. Thể hiện sự khác biệt thương hiệu có nghĩa là nội tại của thương hiệu có cái gì khác với đối thủ, hãy thể hiện nó ra bằng ngôn từ chính xác và dễ hiểu nhất có thể.

Hãy nghe một ví dụ đơn giản, bạn đang chuẩn bị mở một quán cà phê. Và đang lên kế hoạch để thu hút khách hàng cũng như cách duy trì trung thành của khách hàng với thương hiệu. 

Vậy, bạn cần có điểm khác biệt với đối thủ của mình.

Giả sử bạn bạn chỉ đơn giản, mở và bán quán, bạn khác gì với hàng chục cửa hàng khác trên thị trường? Tại sao khách hàng lại lựa chọn bạn mà không phải quán yêu thích của họ?

Điểm khác biệt ở đây là P.O.D - Point of difference. Bạn cần tìm ra nó, để có thể xây dựng một thương hiệu thành công.

P.O.D - đáp án cho bài toán trường tồn trên thương trườ

1. Hiện trạng

Khi nghe đến Apple, chúng ta nhớ đến những chiếc điện thoại với những tính năng vượt trội cùng độ bảo mật tuyệt đối và chất lượng tốt. Cũng như “Trái táo khuyết” biểu trưng cho thương hiệu.

Nhắc đến BMW, Honda hay Ferrari chúng ta nhớ đến đó là những hãng xe hơi và sẽ không ai lẫn lộn những hình ảnh đó vào nhau.

Vậy mà, khi nghe đến Kfg, Cer chúng ta không nghĩ đến được điều gì, cũng như bắt đầu mơ hồ cái tên đó đại diện cho doanh nghiệp như thế nào.

Đó là kết quả của việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Những thương hiệu hàng đầu luôn biết cách để xây dựng sự khác biệt cho doanh nghiệp và duy trì sự khác biệt đó với khách hàng.

2. Một vài ví dụ điển hình về sự khác biệt thương hiệu

Khi Grab gia nhập vào thị trường Việt Nam. Hãng xe công nghệ đã khiến cho các nhà taxi truyền thống đổ mồ hôi hột. Nhờ vào thái độ làm việc chuyên nghiệp, quan tâm đến những trải nghiệm khách hàng, cũng như sự tiện lợi trong quá trình sử dụng dịch vụ, các ông lớn taxi dẫn mất đi lợi thế và rất nhiều khách hàng.

taxi truyền thống và grab trên thị trường
Cuộc chiến của Taxi truyền thống và Grab trên thị trường

Khi vừa gia nhập thị trường, Grab vẫn rất non trẻ trước những ông lớn. Sau đó, Grab dựa vào lợi thế công nghệ để tạo sức cạnh tranh. Chúng ta đều thấy đây là một loại hình kinh doanh khác biệt và nhờ vào sự khác biệt này Grab đã thành công trở thành nền tảng xe công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Grab còn được cho là “Người khổng lồ công nghệ” ở Đông Nam Á. 

Theo Michael Eugene Porter - người được xem là cha đẻ của lợi thế cạnh tranh, một trong ba chiến lược phổ quát là Khác biệt hóa. Khác biệt hóa là hoạt động chiến lược cũng như chiến thuật quan trong kinh doanh. Và hầu như bất cứ doanh nghiệp nào cũng nằm lòng câu nói: “Khác biệt hay là chết.”

Những điều đó chứng minh, P.O.D chính là đáp án duy nhất cho cuộc chiến đấu tranh sinh tử trên thị trường hiện nay.

Cách xây dựng thương hiệu khác biệt cho doanh nghiệp

Nhận ra được kịch bản đáng buồn đang viết ra cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chúng ta phải thay đổi nếu không muốn bước chân vào con đường đó. Vậy, phải thay đổi như thế nào để trở nên khác biệt? Sau đây sẽ là 2 cách để xây dựng sự khác biệt thương hiệu cho doanh nghiệp.

1. Ngừng bắt chước

Ngừng bắt chước để kích thích sự sáng tạo của chính bản thân mình. Cả mặt lý thuyết hay trên thực tế, không ai có thể phủ nhận được sự khác biệt đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Và để có thể khác biệt, chúng ta cần có sự sáng tạo, lòng kiên trì cùng sự liều lĩnh táo bạo. 

Bắt chước trong tình cảnh đã quá tải thông tin hiện nay không phải một cách bền vững, thừa nhận rằng nó sẽ mang đến lợi thế cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Nhưng nó không thể lâu dài, hoặc chăng nó là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại.

Đừng thấy nhà bên cạnh mở quán cà phê thành công thì ngay lập tức tìm cách mở một cửa hàng y như vậy. Ngừng bắt chước chính là điều kiện tiên quyết, bởi chỉ khi đó chúng ta mới có thể tìm ra sự mới lạ thuộc về chính mình.

Cấu trúc tập đoàn Masan Group
Cấu trúc tập đoàn Masan Group

Có thể kể đến trường hợp năm 2008, Masan tái hiện lại câu chuyện nước tương có chứa chất độc 3-MCPD, Marketing dựa trên sự sợ hãi này đã thu được lợi nhuận lớn. Masan Food tung ra nước mắm Chinsu Nam Ngư, đưa ra thông điệp “Nam Ngư – Nước mắm không cặn”. Sau đó là Mì Omachi làm từ khoai tây “không lo bị nóng”,...

Không như các đối thủ đưa ra thông điệp “ngon tự nhiên”, “thơm lừng”, “vị ngon từ thịt”, Chinsu foods đã đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Tất nhiên, không ai muốn đi vào con đường những “người khổng lồ” đã trải sẵn, hầu hết các doanh nghiệp mới được thành lập đều đang tìm kiếm sự khác biệt cho xây dựng thương hiệu.

2. Hãy hiểu chính mình, hiểu đối thủ và hiểu khách hàng 

a) Hiểu chính mình

Không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng hiểu được bản thân mình. Cho nên, thay vì đi tìm hiểu từ các “quân sư” bên cạnh mình, có thể là người thân hay cả những đứa bạn cà phê mỗi ngày, hãy suy nghĩ lại về những gì hiện trạng doanh nghiệp đang có.

Lý do bạn thành lập doanh nghiệp, bạn đã thành lập nó như thế nào cũng như cách bạn đã làm cho đến hiện tại. Đánh giá lại toàn bộ doanh nghiệp, vẽ ra con đường bạn đang đi sẽ dẫn đến nơi nào. Đừng quên mất giá trị cốt lõi của chính mình, bởi đó sẽ là ngọn hải đăng soi sáng cho những bước đi sắp tới vào tương lai.

Đừng quên câu chuyện đốt 50 triệu USD sản phẩm lỗi của Lee Kun Hee - Cố CEO tập đoàn Samsung. Ông hiểu được Samsung đang dần biến thành một công ty hạng hai nếu cứ tiếp tục sản xuất ồ ạt số lượng lớn sản phẩm kém chất lượng.

Mặc dù rõ ràng, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều chạy theo “lợi nhuận” và “doanh thu”, quên mất giá trị cốt lõi của chính mình. Từ đó, khiến họ xây dựng thương hiệu không đủ mạnh, không có sức đề kháng. Chạy theo những xu hướng kinh doanh một cách mù quáng, rồi không tìm được sự khác biệt thương hiệu của doanh nghiệp.

Hiểu rõ chính mình, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cũng như để có một tầm nhìn chiến lược phù hợp với doanh nghiệp. Chỉ có như thế, chúng ta mới tìm được Point of difference.

b) Hiểu khách hàng

Hãy để khách hàng choáng ngợp thông tin bạn mang đến. Nhưng bạn phải đảm bảo thông tin đó đáp ứng được vấn đề, nhu cầu hay liên quan đến những mối quan tâm của đối tượng. Khách hàng luôn bận tâm đến vấn đề của họ, hơn là mặt hàng sản phẩm của bạn. 

c) Hiểu đối thủ

Và không chỉ với khách hàng, bạn cần nhạy cảm trước những động thái của thị trường, của đối thủ, tránh để những tình huống bất ngờ khiến bạn ngã khuỵu. Dù cả khi đang “sóng yên gió lặng”, doanh thu đang ổn định thì cũng không được phép lơ là. Luôn chuẩn bị sẵn sàng để có thể ứng biến nhanh nhất và tốt nhất có thể.

Doanh nghiệp phải luôn luôn tập trung khai thác sự hiện diện của mình trong tâm trí công chúng. Có mặt tại tất cả những nơi nào khách hàng có thể đến được, để tìm hiểu thông tin và xuất hiện trong mắt họ.

Nhưng mà, chỉ sự khác biệt thôi chưa đủ.

Tại sao lại như vậy?

Trở lại với ví dụ Grab, ta đều biết Grab là một mô hình kinh doanh mới mẻ với sự kết hợp công nghệ tiện lợi. Nhưng, nếu thái độ của những người lái xe thiếu chuyên nghiệp, nóng nảy và bốc đồng thì liệu hãng xe công nghệ này có thành công đến như vậy không?

văn hóa bác tài grab 4 bánh "Chuyên nghiệp - An toàn - Văn minh - Trung thực"
Văn hóa Bác tài Grab 4 bánh “Chuyên Nghiệp – An Toàn – Văn Minh – Trung Thực”

Grab đã luôn tuân theo 4 giá trị của chính mình để lấy được lòng khách hàng, từ đó nâng cao lợi ích của khách hàng khi mang đến. Tôi chắc rằng, nếu không nhờ thái độ chuyên nghiệp Grab đã không thể phát triển vượt trội như vậy trên thị trường.

Sự khác biệt chỉ thật sự đủ khi nó có ý nghĩa với khách hàng. Sự khác biệt nếu nó không mang đến lợi ích cho khách hàng là vô nghĩa. 

Người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua một sản phẩm/dịch vụ tương tự ở nơi khác, không nhất định phải giữ chân tại một công ty này. Tại sao? Đó là vì khi mua một sản phẩm hay dịch vụ, người ta nhìn vào giá trị, ở đây là giá trị cảm nhận. 

Giá trị cảm nhận là thuật ngữ trong marketing, thể hiện sự đánh giá của khách hàng về giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ và khả năng chúng đáp ứng nhu cầu và mong đợi của họ, đặc biệt là so với sản phẩm của các công ty cùng ngành.

Hãy nâng cao mọi mặt của sản phẩm/dịch vụ để tăng tổng giá trị cảm nhận của khách hàng về mọi khía cạnh như: chất lượng, chính sách khách hàng, chính sách bảo hành, giao hàng,... từ đó thương hiệu doanh nghiệp sẽ trở nên vững chắc hơn, nâng tổng giá trị cảm nhận của khách hàng lên cao nhất có thể.

Ở quá khứ, cũng có nhiều thương hiệu như: Bột nêm không bột ngọt, Cà phê dành cho nữ giới,... Thừa nhận rằng những thương hiệu này khác biệt, bởi chưa có ai làm, thị trường chưa xuất hiện. Nhưng hiện tại, những cái tên này đang ở đâu?

Khác biệt thôi chưa đủ, đừng quên nâng tổng giá trị cảm nhận của khách hàng cùng với điểm khác biệt của bản thân, chỉ có như thế, thương hiệu mới có thể phát triển bền vững nhất.

Lời kết

Trong thị trường hiện nay, việc tồn tại và phát triển là vấn đề quan trọng được sự quan tâm của mọi doanh nghiệp. Đáp án cho bài toán đó chính là sự khác biệt (P.O.D) chỉ có như vậy mới có thể khiến cho doanh nghiệp có những bước đi vững chắc. 

Hãy theo dõi kênh Facebook của Brand Doctor: Brand Doctor Group, để cập nhật những tin tức mới nhất và nhanh nhất.

Bạn có thể tham khảo cách để xây dựng một thương hiệu tại bài viết: Thương hiệu mạnh là gì? 5 cách để xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp


Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết cùng chủ đề

Kiến thức thương hiệu

Tông giọng thương hiệu là gì? 5 bước tạo tông giọng thương hiệu ấn tượng

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202112 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Định vị thương hiệu? 9 phương pháp định vị thương hiệu cơ bản

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202113 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 5 bước để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202110 phút đọc

Khám phá toàn bộ nội dung

Cùng Brand Doctor khám phá kiến thức