Nguyễn Khánh Trung

26/09/2021

Chúng ta đều biết, 

Samsung là gã khổng lồ trong giới công nghệ.

Chúng ta đều thấy, 

Doanh thu của Samsung hiện nay hơn 200 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng, mấy ai biết rằng Samsung vốn khởi nghiệp không phải ngành công nghệ?

Liệu ai còn nhớ Samsung từng là “vô danh tiểu tốt” trên xứ sở Kim Chi?

Thậm chí, có thời điểm mà phương Tây còn cho rằng Samsung chỉ là một nhà sản xuất Tivi giá rẻ và lò vi sóng không tin cậy. 

Tất cả những điều đó, là sự thật! 

Đã từng có một Samsung như vậy. Nhưng Samsung đã thay đổi. 

“Đế chế tương lai” bứt khỏi tất cả những định kiến còn tồn đọng. Không còn là một sản nghiệp mục rỗng quên mất sứ mệnh mà chỉ quan tâm sản xuất ồ ạt số lượng lớn những sản phẩm kém chất lượng.

Họ đi đến bước ngoặt “Đại cải cách” dưới sự lãnh đạo của CEO lúc bấy giờ. 

Ngồi lên ngai vàng ở tuổi 45 sau khi người cha qua đời chỉ đúng 2 tuần, người đó đã tạo nên kỳ tích để cả thế giới đều phải thán phục. Chính là tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc, Lee Kun Hee phát triển Samsung trở thành ngày nay.

Cố Chủ tịch tập đoàn Samsung: Lee Kun Hee (1942-2020)
Cố Chủ tịch tập đoàn Samsung: Lee Kun Hee

Lee Kun Hee gia nhập công ty của cha mình vào năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Waseda danh tiếng và có được tấm bằng MBA từ Đại học George Washington (Hoa Kỳ). 

Sau 5 năm đầu từ lúc nắm quyền điều hành Samsung, ông đã vô cùng thất vọng vì chẳng thể tạo ra được dấu ấn nào khác biệt cho Samsung.

Ông Lee tuyên bố, “Hãy thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con của bạn”

Không nghe nhầm đâu, ông ấy đã nói vậy đó!

Ông Lee nhận định rằng, "Chúng tôi đang ở trong thời kỳ chuyển đổi quan trọng. Nếu chúng tôi không mở rộng sang các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ và vốn hơn, sự tồn tại của công ty sẽ bị đe dọa". 

Sự cấp thiết phải đổi mới của Samsung được thể hiện rõ khi ông triệu tập một nhóm giám đốc điều hành của Samsung Electronics và đến một cửa hàng của Best Buy ở Los Angeles (Mỹ) để kiểm tra thực tế sức hút của thương hiệu Samsung.

Tại đó, ông Lee Kun Hee đã nhìn thấy chiếc TV hiệu Samsung đầy bụi bẩn và nằm trơ trọi trong góc. Dù cho lúc đó giá TV Samsung rẻ hơn TV cùng loại của Sony gần 100 USD. Cảm giác công ty đang rơi xuống đáy vực dường như trở thành động lực thúc đẩy ông thay đổi.

Suốt thời gian đó, ông đã họp dài hạn với các giám đốc điều hành và ban lãnh đạo của công ty với mục đích thúc giục họ từ bỏ cách làm việc và lối tư duy cũ. Trong thời gian này, ông cũng đã tuyên bố: “Hãy thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con bạn.”

Theo  ông, Samsung nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tăng thị phần bằng cách sản xuất số lượng lớn. Mà thời điểm đó, điều này hoàn toàn không được các công ty Hàn Quốc chấp nhận.

“Đốt 50 triệu USD”,  huyền thoại sinh ra từ đống tro tàn

Đó là câu chuyện mà chúng ta không được phép quên khi nói đến Samsung.

Năm 1995, ông Lee đã đến thăm một nhà máy của Samsung ở thị trấn Gumi sau khi phát hiện được một lô điện thoại di động của công ty có lỗi. 

Trước mặt 2.000 công nhân nhà máy Gumi tập trung tại sân trong và buộc đeo băng đô có ghi “Chất lượng là trên hết”. Lee Kun Hee và ban giám đốc ngồi dưới một biểu ngữ có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”.

Ông đã tự tay đốt sạch toàn bộ sản phẩm kém chất lượng, bất kể mặt hàng đó còn trên dây chuyền sản xuất hay đã tung ra thị trường. Những công nhân bật khóc, ông vẫn tiếp tục đốt. Không có lý do để ông ấy dừng lại.

Ngày đó, tất cả họ cùng chứng kiến số điện thoại, máy fax và số hàng tồn kho khác trị giá 50 triệu USD bị đập vỡ thành từng mảnh và bốc cháy.

Từ khoảnh khắc đó, Samsung đã bắt đầu cuộc chạy đua trong con đường “Đế chế” của chính mình.

Ông tạo khủng hoảng cho nhân viên, nếu điều đó làm cho họ bớt tự phụ!

Ông Lee chia sẻ: "Môi trường kinh doanh bên ngoài không tốt nhưng lại không có cảm giác lo lắng trong tổ chức, và mọi người dường như bị tự phụ. Tôi cần phải siết chặt một chút và liên tục nhắc nhở các nhà quản lý về cần phải có cảm giác khủng hoảng". 

Giới bình luận lúc bấy giờ đã tốn không ít giấy mực để nói về phong cách này của ông. Ông được thúc đẩy bởi khủng hoảng. Nhận thấy điều đó, ông quyết định truyền điều này đến ban lãnh đạo và nhân viên tập đoàn của mình, để họ thay đổi và bớt sự tự mãn.

Lee Kun Hee và tập đoàn Samsung
Lee Kun Hee là kiểu người được thúc đẩy bởi khủng hoảng

Lee Kun Hee phát triển Samsung vô danh trở thành gã khổng lồ của giới công nghệ, khiến thế giới thán phục

Hoàn toàn chấp nhận, nếu gọi Lee Kun Hee là linh hồn của Đế chế Samsung khổng lồ.

Samsung Electronics được thành lập từ các công ty con chuyên về lĩnh vực công nghệ điện tử, ngành mũi nhọn quan trọng bậc nhất chiếm đến 2/3 doanh thu của cả tập đoàn.

Rất nhanh chóng từ đầu những năm 1990, tập đoàn Samsung vượt qua các đối thủ sừng sỏ là Nhật và Mỹ trong ngành sản xuất chip nhớ. Không dừng tại đó, thị trường điện thoại di động từ trung tới cao cấp đã được Samsung chinh phục vào những năm 2000. 

Tuy nhiên, sự nghiệp của Lee Kun Hee không phải lúc nào cũng thành công. Vào những năm 1990, ông tin rằng ô tô sẽ nhanh chóng được tích hợp với các thiết bị điện tử, dẫn đến sự thành lập công ty sản xuất ô tô Samsung Motors nhưng đến năm 2000, đã phải tháo bán.

Song chúng ta thấy được, cả thế giới đều đã thấy, dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn Samsung đã phát triển hãng điện thoại thông minh và sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới: Samsung Electronics Co., cùng hàng chục chi nhánh khác nhau, từ Samsung Life Insurance Co. đến Samsung Heavy Industries Co. 

Năm 2004, ông Lee được chính phủ Pháp trao huy chương Bắc Đẩu Bội tinh tại Paris.

Tháng 9 năm 2006, ông Lee được nhận Giải thưởng James A. Van Fleet từ Hiệp hội Xã hội Hàn Quốc (Korea Society).

Ngày nay, doanh thu của tập đoàn Samsung đã tăng gấp 40 lần so với năm 1987, đóng góp đến 20% GDP cho Hàn Quốc. Vào thời điểm ông qua đời, công ty trị giá 300 tỷ đô la Mỹ, và với giá trị tài sản ròng ước tính 20,7 tỷ đô la Mỹ theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, từ năm 2007 ông được xem là người giàu nhất Hàn Quốc.

sản phẩm của Tập đoàn Samsung
Mẫu điện thoại được sản xuất từ tập đoàn Samsung

Vậy, sự bứt phá ngày nay là do đâu?

Chúng ta không ai ngây thơ cho rằng có thế lực lạ thường giúp đỡ ông Lee được, đúng chứ?

Dưới cương vị người điều hành tập đoàn Samsung, Lee Kun Hee đã sử dụng 4 phương pháp: Con người, Sự thay đổi, Tầm nhìn chiến lược và Marketing thông minh một cách hiệu quả và hết sức đáng kinh ngạc.

1. Quan tâm tới nguồn lực “con người” 

Với triết lý “Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất”. 

Theo đó Samsung khẳng định, "Con người là nền tảng làm nên sự thành công của doanh nghiệp. Chúng tôi nỗ lực hết mình cho sự phát triển của từng cá nhân, giúp họ phát huy hết khả năng và đạt được những mục tiêu mong muốn."

Để công nhân và nhân viên có thể đáp ứng về kỹ năng chuyên môn, Samsung liên kết giảng dạy và đào tạo cho họ những ngành nghề có liên quan, sau đó để họ thực tập tại công ty.

“Tại Samsung, con người luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu mỗi nhân viên Samsung không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức văn hóa, xã hội rộng lớn”.

Ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam

Không giống với nhiều công ty khác tại Hàn Quốc, Samsung bắt đầu hoạt động vào 7 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều. Tất cả nhân viên đều phải ra về lúc 4h chiều để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và những hoạt động giải trí khác.

Cố CEO luôn cố gắng xây dựng một môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, bởi ông hiểu được lợi ích của môi trường này. 

Đồng thời, Samsung quan tâm đến việc phát triển nhân sự lên tầm quốc tế, những nhân viên làm việc từ 3 năm hoặc trong thời gian làm việc đạt được thành tích xuất sắc sẽ có cơ hội đi đến các trụ sở Samsung trên toàn cầu trải nghiệm.

Ngoài ra Samsung còn quan tâm đến việc nâng cao quyền năng của người phụ nữ tại nơi làm việc.

2. Sự thay đổi được đặt lên hàng đầu, từ “Samsung quản lý” trở thành “Samsung sáng tạo”

"Thay đổi" là một trong những giá trị cốt lõi làm nên tinh thần tập đoàn Samsung. 

Samsung nêu rõ, "Xác định tầm nhìn cho tương lai, nhận định xu hướng và các nhu cầu thị trường là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cuộc sống con người."

Ngày 7 tháng 6 năm 1993, tại cuộc họp với toàn thể ban lãnh đạo của Samsung ở khách sạn Frankfurt Kempinski (Đức), Lee Kun Hee đã tuyên bố về "Tuyên bố kinh doanh mới" và "Kinh doanh chất lượng". 

Ông đưa ra “Tuyên bố kinh doanh mới” với mục đích "Hãy thay đổi từ chính bản thân mình", "Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn", "Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng”. 

Những tuyên bố này chẳng khác gì hồi pháo hiệu nổ ra trong đêm, làm cho tất cả những người lãnh đạo Samsung đang dương dương tự đắc lúc bấy giờ cảnh tỉnh mà từ bỏ lối tư duy cũ, mở đầu cho những bước đi hoàn toàn mới.

Theo thống kê, tổng cộng số giờ đồng hồ của những cuộc họp thuyết giảng về hướng đi mới của Samsung của ông Lee là 800 giờ đồng hồ, thường bắt đầu vào 8 giờ tối và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Tầm nhìn chiến lược

Lee Kun Hee luôn có cái nhìn xa hơn những người khác, ông nhạy cảm trước các nguy cơ rình rập dù tập đoàn đang “thuận buồm xuôi gió”. Nhờ thế mà Samsung sớm chuẩn bị các biện pháp đối kháng và xây dựng được cho toàn thể Samsung “sức đề kháng” trước sự biến động của nền kinh tế nhạy cảm bấy giờ.

Ngay cả khi Samsung đã vững mạnh và có con số doanh thu khổng lồ, ông Lee cũng không quên đề cao ý thức về khủng hoảng và sự nhạy bén trước dòng xoáy biến đổi khôn lường của xu thế. 

Lee Kun Hee chia sẻ: “Tuyệt đối không được có tư tưởng tự mãn về sự thuận lợi của mọi sự mà phải luôn đề cao ý thức về khủng hoảng và  nhạy bén trước sự xoay vần của thời thế. Sự sáng tạo không thể xuất hiện nếu chỉ làm theo cách có sẵn hay bắt chước người khác. Do đó, bắt đầu mọi việc từ con số 0 và tìm ra cái mới là sự sáng tạo cần thiết”.

Trước khi bắt tay vào lĩnh vực chip bán dẫn, ông đã chịu không ít sự phản đối và công kích. Trong khi người khác đưa ra kết luận vì Samsung không có kỹ thuật nên sẽ phải mượn công nghệ nước khác. Nó chứng tỏ ông không thể nào sản xuất được chip bán dẫn, thì chủ tịch Lee lại kiên quyết rằng, do phải đi mượn công nghệ nền Samsung nhất định phải thành công với chip bán dẫn. 

Lee Kun Hee đã bắt tay vào lĩnh vực mà không ai dám thử sức. 

Tháng 4 năm 2012, với sự kiện sản xuất đại trà chíp DDR4 DRAM 4GB trên dây chuyền công nghệ 20 nano, tập đoàn Samsung đã độc chiếm vị trí số 1 thế giới về chip bán dẫn, gia tăng cách biệt về trình độ kỹ thuật với các đối thủ cạnh tranh.

4. Marketing thông minh

Lee Kun Hee đã dành mối quan tâm đặc biệt cho marketing thể thao mà ví dụ tiêu biểu nhất là việc Samsung Electronics trở thành nhà tài trợ cho Olympic ngay từ khi các doanh nghiệp Hàn Quốc khác còn chưa nghĩ tới điều đó. 

Họ đã vượt qua mọi thử thách mạo hiểm để giành quyền đồng hành cùng Olympic trong vai trò của nhà tài trợ.

Tập đoàn samsung
Tập đoàn Samsung

Dù vậy, bên dưới lớp hào quang của “Đế chế Samsung” vẫn chứa đựng nhiều câu chuyện ê chề

Bắt đầu công cuộc chinh phục toàn cầu từ những năm 2000, Lee Kun Hee đã sử dụng những thiết bị chất lượng, mới lạ và cách tiếp thị mới mẻ đầy thông minh. Ông đã gắn chặt tên tuổi của sản nghiệp vào tâm trí người dùng của phương Đông lẫn phương Tây. 

Sự nhạy bén trong kinh doanh đã khiến ông trở thành biểu tượng được ngưỡng mộ tại đất nước Hàn Quốc.

Song tuy thành công, ông và đế chế của mình cũng không tránh khỏi những vết ố trong cuộc đời và sự nghiệp. Không ngừng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà phê bình và cổ đông khi dính phải nhiều thương vụ đáng ngờ. Cách quản trị phân cấp không rõ ràng của ông cũng tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Đồng thời, việc chuyển giao tài sản và mối hận thù gia đình đầy đáng ngờ khiến hình tượng của ông Lee không tránh khỏi có vết sứt mẻ.

Thành công đi kèm thất bại, là những điều mà giới truyền thông hiện nay cũng thường xuyên nhắc đến khi nói về cố CEO của tập đoàn Samsung.

Lời kết

Dù chê trách hay ngưỡng mộ, nhiều người vẫn phải thừa nhận di sản khổng lồ ông để lại cho Samsung, cũng như dấu ấn về sự lãnh đạo tài tình của người đàn ông mang tên Lee Kun Hee. Đó là người đã biến một thương hiệu bình dân thành một thương hiệu hàng đầu thế giới bằng chiến lược kinh doanh của chính mình.

Vậy, để xây dựng một thương hiệu khác biệt và làm nó trở nên thành công như Lee Kun Hee, các doanh nghiệp nhất định phải lựa chọn cho mình một chiến lược kinh doanh hiệu quả và phù hợp. 

Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc

Xem thêm về cách xây dựng một thương hiệu mạnh như Samsung tại: Thương hiệu mạnh là gì? 5 cách để xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp


Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết cùng chủ đề

Thị trường hôm nay

5 vấn đề lưu ý khi tạo tính nhất quán thương hiệu

Nguyễn Khánh Trung

16/10/202112 phút đọc

Thị trường hôm nay

Đốt 50 triệu USD, Lee Kun Hee phát triển Samsung thành Đế chế hùng mạnh

Nguyễn Khánh Trung

26/09/202110 phút đọc

Thị trường hôm nay

Phúc Long chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ

Nguyễn Khánh Trung

26/09/20216 phút đọc

Khám phá toàn bộ nội dung

Cùng Brand Doctor khám phá kiến thức