Sự thật là, những câu chuyện luôn hấp dẫn.
Chúng ta được nghe kể chuyện từ lúc còn bé.
Chúng ta được nuôi lớn lên qua những câu chuyện về cuộc đời.
Những câu chuyện đó đem đến cho chúng ta những cảm xúc, có thật.
Bạn biết không, những thương hiệu cũng biết kể chuyện.
Và, họ chọn kể cho chúng ta nghe.
Brand Storytelling - Kể chuyện thương hiệu là gì?
Brand Storytelling - Kể chuyện thương hiệu là việc sử dụng những câu chuyện để kết nối với khách hàng, từ đó truyền tải những thông điệp bạn muốn chia sẻ đến với khách hàng.
Có thể là chúng ta sẽ kể lại một loạt các sự kiện đã khởi đầu cho sự thành lập một doanh nghiệp, cũng như kể lại những điều đã thúc đẩy bạn xây dựng sứ mệnh cho doanh nghiệp tồn tại đến hiện nay.
Kể chuyện dễ tạo được cảm xúc với người khác, tác động mạnh mẽ hơn đến não bộ chúng ta. Một câu chuyện chắc chắn sẽ hay hơn những lời lẽ động viên, khích lệ khô khan và những câu chữ mơ hồn, rời rạc.
Thương hiệu cũng nghĩ như vậy. Bởi cũng giống như các nhân vật trong sách và phim yêu thích của bạn, nếu bạn có thể tạo ra một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, khán giả của bạn sẽ ghi nhớ bạn hơn, từ đó cảm xúc bạn truyền tải sẽ đến với khách hàng và kết quả, họ sẽ quan tâm đến bạn.
Vậy, để kể một câu chuyện thương hiệu tốt thì cần những gì?
5 yếu tố cần có khi xây dựng câu chuyện thương hiệu
1. Sự xác thực và nhất quán
Khi kể chuyện thương hiệu hãy kể một câu chuyện xác thực. Điều đó sẽ tạo được thiện cảm với khách hàng hơn. Bởi không một doanh nghiệp nào từ lúc thành lập mà không có vấn đề xảy ra. Cho nên, hãy trung thực với khách hàng của mình, để họ tin tưởng và chọn bạn.
Trước khi bắt đầu kể chuyện thương hiệu, hãy tự hỏi bản thân một vài câu hỏi:
- Tại sao thương hiệu tồn tại? Lý do nào bạn thành lập thương hiệu cho đến ngày nay?
- Những ngày đầu như thế nào? Bạn đã trải qua nó như thế nào, bạn có rút ra được gì từ đó không?
- Thương hiệu của bạn mang đến điều gì? Tại sao nó khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác?
Khi bạn đã có câu trả lời cho mình, bạn đã có các yếu tố cần thiết để tạo ra câu chuyện riêng, mang phong cách riêng biệt của bạn. Những câu chuyện này, lời nói này sẽ xuất hiện ở những nơi nào doanh nghiệp bạn có, từ đó sẽ tạo được ấn tượng nhiều hơn với khách hàng.
Patagonia là một thương hiệu quốc tế với câu chuyện thương hiệu mang đậm sứ mệnh vì môi trường. Họ tuyên bố “We're In Business To Save Our Home Planet”, điều đó không chỉ xuất hiện trên các sản phẩm mà còn ở nội dung trên trang web.
Tuyên bố sứ mệnh là khởi đầu tốt để bạn bắt đầu tạo ra một câu chuyện thương hiệu và muốn duy trì tính nhất quán của nó. Nếu mọi người trong doanh nghiệp của bạn — cho dù đó là nhà chiến lược, những người viết quảng cáo hay các nhóm bán hàng — thường xuyên tham khảo tuyên bố sứ mệnh, bạn có thể chắc chắn rằng bản sắc thương hiệu của mình sẽ vẫn nhất quán.
2. Hiểu rõ người đọc là ai
Khi kể chuyện thương hiệu, để thuyết phục khách hàng nghe bạn kể, bạn phải chọn đúng được vấn đề nào họ đang quan tâm. Việc nghiên cứu dữ liệu khách hàng sẽ giúp cung cấp cho bạn thêm tài liệu vào câu chuyện của mình.
Bạn có 2 cách để nghiên cứu và thu thập những thông tin trên.
Thứ nhất, hỏi rõ ràng khách hàng của bạn muốn gì hoặc tìm hiểu thông tin của họ (nền tảng mạng xã hội và các cuộc khảo sát online sẽ là công cụ đắc lực để hỗ trợ bạn);
Thứ hai, lấy dữ liệu khách hàng bằng lịch sử mua hàng để theo dõi các sở thích, chọn ra các nhóm nhỏ khách hàng nào bạn cho là tốt nhất, để nghiên cứu và tìm ra điểm chung của họ.
Điển hình là Spotify đã khai thác dữ liệu người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, với slogan “Âm nhạc dành cho mọi tâm trạng”. Spotify đã sử dụng những dữ liệu của khách hàng, từ đó dự đoán được xu hướng nghe nhạc của họ. Tiếp theo là đưa cho họ danh sách phát họ muốn và còn đề xuất những nhiều hơn khách hàng cần.
3. Truyền đạt vấn đề cần giải quyết
Một phần của việc kể chuyện thương hiệu hiệu quả là truyền đạt vấn đề bạn giải quyết. Từ những đồ vật gia dụng cho đến sản xuất quần áo, chúng ta phải biết kết hợp những điều này vào thông điệp của mình.
Kết hợp những hình ảnh bạn liên tưởng về vấn đề được vào nhau, sau đó truyền đạt điều đó đến với khách hàng.
Một câu chuyện đến từ Girlfriend Collective như thế này. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), 84% quần áo đã được sử dụng sau khi mua ở Mỹ không được tái sử dụng hay tái chế, mà người tiêu dùng chọn cách chôn lấp hoặc đốt chúng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Girlfriend Collective đã nhận ra vấn đề “ô nhiễm trắng này”. Họ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm đầu tiên là quần leggings sử dụng sợi làm từ chai nhựa tái chế.
Cùng với chiến dịch tặng miễn phí thời gian đầu, Girlfriend Collective đã tạo nên một cơn sốt. Mọi người đã truyền miệng nhau về sự thân thiện với môi trường của sản phẩm và kêu gọi nhau mua trước khi hết thời hạn tặng miễn phí.
Chiến dịch sau đó đã trở thành một phần chính trong câu chuyện và hình ảnh thương hiệu của họ.
4. Xây dựng nhân vật của bạn
Cách kể chuyện thương hiệu hiệu quả đòi hỏi phải có nhân vật có liên quan đến khán giả của bạn.
Nếu bạn làm việc cho một tập đoàn lớn, ngôn ngữ trang trọng sẽ tạo được sự thuyết phục và tin tưởng hơn.
Nếu bạn là một thương hiệu mới nhắm đến thế hệ trẻ, bạn có thể chọn sử dụng những câu dí dỏm và hài hước như một cách giao tiếp.
Frank Body sử dụng giọng nói thân thiện, dễ gần và điều gì đó khiến người đọc của họ có cảm giác như đang nói chuyện với người bạn thân thiết.
Khi truy cập trang Frank Body About, người đọc sẽ được giới thiệu khái quát về sứ mệnh của thương hiệu. Tuy nhiên nếu chỉ vậy, họ đã không ấn tượng với khách hàng đến thế, họ chọn cách viết những thông tin này thành một câu chuyện hài hước. Họ đã làm được điều này bằng cách sử dụng những từ như “babe” và luôn chọn những ngôn ngữ đơn giản.
Thương hiệu cũng tạo ra mối quan hệ với độc giả bằng cách để lại các thông điệp và trích dẫn trên bao bì sản phẩm. Họ cũng chia sẻ nội dung do người dùng tạo trên các trang truyền thông xã hội.
5. Kết nối với khách hàng
Khi kể chuyện thương hiệu, chúng ta đang mong muốn tạo được mối quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, xây dựng mối quan hệ với khách hàng là một con đường hai chiều. Mặc dù việc cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ đặc biệt là quan trọng, nhưng chỉ điều này không đảm bảo rằng người đọc câu chuyện bạn kể sẽ yêu thích thương hiệu của bạn và tiếp tục quay lại với bạn nhiều hơn nữa.
Để tạo được cảm giác kết nối với khách hàng một cách tốt nhất, hãy sử dụng mạng xã hội của bạn để trả lời phản hồi và tương tác với những khách hàng đã dành thời gian tương tác với bạn. Hãy luôn luôn bên cạnh khách hàng, điều đó sẽ tạo được sự thân thiết, gần gũi với nhau.
Everlane là thương hiệu bán quần áo sang trọng, tối giản. Everlane hứa hẹn sẽ luôn minh bạch trong các khía cạnh kinh doanh và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Họ chinh phục khách hàng bằng cách chia sẻ từng chút về thông tin của nhà cung cấp cũng như chi phí mà khách hàng phải đánh đổi để mua sản phẩm.
Thương hiệu cũng khuyến khích khách hàng gửi những hình ảnh về sản phẩm đến tài khoản công ty khi khách hàng mua sản phẩm của họ.
Thế, tại sao nên kể chuyện thương hiệu?
- Phân biệt thương hiệu của bạn với các đối thủ cạnh tranh: Mỗi một doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng và sẽ kể chuyện thương hiệu của mình theo những cách khác nhau. Cho nên hãy dựa vào đó để khách hàng hiểu rõ bạn hơn.
- Khiến khách hàng ghi nhớ bạn hơn: trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ hoạt động khi bạn tham gia vào việc kể chuyện. Chúng ta có thể thu hút sự chú ý của khán giả khi kể chuyện thương hiệu.
- Kể chuyện thương hiệu không chỉ tạo khả năng kết nối mà còn thay đổi được hành vi của khách hàng, ví dụ như họ có thể mua hàng của bạn, hoặc chọn lựa chọn bạn khi đang so sánh các thương hiệu cùng loại với nhau.
- Tạo ra một cộng đồng tương tác giữa thương hiệu và khách hàng. Thông qua những câu chuyện, thương hiệu có thể khơi gợi những hành động cho khách hàng, kêu gọi bình luận, tương tác với bài đăng chẳng hạn.
- Thiết lập được lòng trung thành của khách hàng: với một chiến lược mạnh mẽ trong việc kể chuyện thương hiệu, bạn sẽ thiết lập được lòng trung thành của khách hàng khi họ bắt đầu cảm nhận được nội dung bạn truyền tải với thương hiệu.
Các bước xây dựng câu chuyện thương hiệu
1. Tạo cấu trúc cho câu chuyện
Bạn sẽ phải xác định được mở bài, thân bài và kết bài ở giai đoạn này. Định hình những gì bạn sẽ kể ở 3 phần này trước khi bắt đầu giải quyết Golden Circle.
Golden Circle là vòng tròn gồm 3 vòng tròn, từ trong ra ngoài lần lượt là Why - How - What. Chúng ta sẽ giải quyết những câu hỏi này để xây dựng một câu chuyện thương hiệu cuốn hút.
2. Giải quyết “Why”
“People don’t buy what you do. They buy why you do it.”
Simon Sinek
Chúng ta bắt đầu với WHY, đây là bắt đầu cho những gì bạn muốn truyền tải và kết nối với khách hàng của mình. Thương hiệu của bạn mong muốn điều gì? Bạn hướng tới điều gì cho khách hàng? Sứ mệnh và giá trị của bạn là gì? Hãy trả lời những Why để có thể xây dựng từng chút từng chút những viên gạch niềm tin cho khách hàng.
Nếu kể chuyện thương hiệu thành công, chúng ta chạm tới cảm xúc của khách hàng. Thậm chí có sẽ thay đổi được hành vi của họ theo định hướng chúng ta muốn.
Một số câu hỏi bạn có thể áp dụng để giải quyết câu hỏi này như:
- Thương hiệu của bạn ra đời như thế nào?
- Bạn mong muốn điều gì bạn gì khi thành lập doanh nghiệp này?
- Bạn nghĩ tại sao khách hàng nên đọc những gì bạn viết, nghe những lời bạn truyền tải?
- Cảm xúc cho độc giả khi nghe đến thương hiệu của bạn là gì?
3. Giải quyết “How”
Bạn cho khách hàng thấy được những lý do, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Vậy sau đó, hãy cho họ thấy bạn đã làm nó như thế nào.
Hãy nghĩ đến mục đích cuối cùng bạn mong muốn khách hàng làm khi đọc câu chuyện của bạn. Từ đó, dẫn dắt những điểm mạnh và sự khác biệt của thương hiệu khéo léo, vừa nhấn mạnh được sự độc đáo của thương hiệu cũng như thuyết phục được khách hàng.
Nhấn mạnh nhiều vào lợi ích khách hàng sẽ đạt được, từ đó sẽ khiến chúng ta gần nhau hơn.
Một số câu hỏi bạn có thể áp dụng để giải quyết câu hỏi này như:
- Bạn làm sao để thay đổi và định hướng cho suy nghĩ của khách hàng?
- Với thương hiệu của mình, bạn làm sao để kết nối sứ mệnh, giá trị cốt lõi với lợi ích của khách hàng?
- Để đạt được sứ mệnh và giá trị cốt lõi từ ban đầu, doanh nghiệp đã làm thế nào?
4. Giải quyết “What”
Ở bước này, hãy cung cấp cho khách hàng những hình ảnh, liên tưởng thực tế thương hiệu bạn đã làm được. Hãy cho khách hàng biết thương hiệu của bạn làm được những gì cho đến hiện tại.
Một số câu hỏi bạn có thể áp dụng để giải quyết câu hỏi này như:
- Thương hiệu của bạn mang đến cho độc giả những thông tin, sản phẩm/dịch vụ gì?
- Bạn giải quyết được khó khăn gì cho người đọc?
- Khách hàng sẽ nhìn thấy hình ảnh nào của thương hiệu đầu tiên?
- Điều gì giúp độc giả liên tưởng đến các sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu?
5. Sắp xếp các ý để tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh
Ở bước cuối cùng, kết hợp và sắp xếp các yếu tố của Why - How - What để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh cho thương hiệu. Tất nhiên, bạn có thể kể câu chuyện ở mọi nơi, có thể qua bài viết, qua video và một sự kiện bạn tổ chức.
Những cách kể chuyện của thương hiệu nổi tiếng
1. Tom Shoes
Câu chuyện thương hiệu:
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, bao gồm cả Câu chuyện của Toms. Trong chuyến du lịch ở Argentina vào năm 2006, người sáng lập Tom Shoes là Blake Mycoskie, đã chứng kiến những khó khăn khi những đứa trẻ ở Argentina đi chân đất trên những con đường đầy rác và mảnh thủy tinh vỡ.
Vì muốn giúp đỡ cho những đứa trẻ đó, ông ấy đã thành lập Toms Shoes, với mỗi đôi giày được Tom Shoes bán ra thì sẽ tặng một đôi giày đến cho những đứa trẻ cần chúng.
Cho đến nay, Toms cho biết họ đã trao gần 100 triệu đôi giày cho trẻ em có nhu cầu.
Cách kể chuyện:
Đánh mạnh vào mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn làm Tom Shoes thật sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách hàng.
Thương hiệu đưa ra hoàn cảnh cho câu hỏi Why, sau đó họ cho chúng ta biết giải pháp với How và cuối cùng là lồng ghép sản phẩm một cách khéo léo.
Blake Mycoskie đã tích hợp giữa việc kinh doanh và làm từ thiện, ngụ ý rằng chúng ta ủng hộ Tom Shoes cũng là giúp đỡ được những đứa trẻ khó khăn trên thế giới.
2. Uber
Câu chuyện thương hiệu:
Uber cho biết họ đang phát triển theo cách thế giới vận động.
“By seamlessly connecting riders to drivers through our apps, we make cities more accessible, opening up more possibilities for riders and more business for drivers,” the brand adds.” - Thương hiệu đã chia sẻ thêm.
Những thành công của Uber: Thương hiệu gần đây đã kỷ niệm 1 tỷ chuyến xe Uber cất bánh theo Business Insider, Uber được định giá hơn 62,5 tỷ đô la và huy động thành công 2 tỷ đô la tài trợ.
Uber rất thành công. Họ đã chọn cách liệt kê những lợi ích và tầm quan trọng của việc di chuyển. Từ đó, nói với thị trường họ là ai và họ làm được những gì.
Cách kể chuyện:
Uber là giải pháp xe công nghệ. Bằng cách này thương hiệu sẽ giúp mọi người có những chuyến đi nhanh hơn, an toàn và tiện lợi. Hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi mới trong cách thế giới di chuyển hiện nay.
Lời kết
Brand Storytelling - Kể chuyện thương hiệu là việc sử dụng những câu chuyện để kết nối với khách hàng, từ đó truyền tải những thông điệp bạn muốn chia sẻ đến với khách hàng.
5 yếu tố cần có khi xây dựng câu chuyện thương hiệu: Sự xác thực và nhất quán, Hiểu rõ người đọc là ai, Truyền đạt vấn đề cần giải quyết, Xây dựng nhân vật của bạn, Kết nối với khách hàng.
Lợi ích của việc kể chuyện thương hiệu: Phân biệt thương hiệu của bạn với các đối thủ cạnh tranh, Khiến khách hàng ghi nhớ bạn hơn, Kể chuyện thương hiệu không chỉ tạo khả năng kết nối mà còn thay đổi được hành vi của khách hàng, Tạo ra một cộng đồng tương tác giữa thương hiệu và khách hàng, Thiết lập được lòng trung thành của khách hàng.
Các bước xây dựng câu chuyện thương hiệu: Tạo cấu trúc cho câu chuyện, Giải quyết “Why”, Giải quyết “How”, Giải quyết “What”, Sắp xếp các ý để tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh.
Chia sẻ nếu bạn thấy hay: