Nguyễn Khánh Trung

26/09/2021

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Những doanh nghiệp lâu đời và có thương hiệu mạnh hiểu được điều này.

Cho nên, họ tập trung xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và tính cách thương hiệu sao cho hiệu quả nhất.

Đó là điều chúng ta thường nghĩ khi nói về thương hiệu, về xây dựng bản sắc cho thương hiệu mình.

Nhưng mà, có một yếu tố không thể bỏ qua, mặc dù nó thường bị phớt lờ.

Yếu tố đó là Giọng nói thương hiệu - Brand Voice.

Giọng nói thương hiệu là gì?

Giọng nói thương hiệu là cách bạn thể hiện tính cách và truyền đạt cảm xúc của thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp.

Giọng nói thương hiệu bao gồm nhiều thứ, từ ngôn ngữ đến tính cách và hình ảnh mà doanh nghiệp bạn truyền thông trên các phương tiện. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông điệp của bạo tạo được ấn tượng với khách hàng tiềm năng và sự nhất quán tách biệt với đối thủ.

Brand Voice đang ngày càng trở nên quan trọng trong thời buổi hiện nay. Một công ty bán quần áo cho trẻ con sẽ sử dụng những từ ngữ khác với một công ty bán quần áo thể thao. 

Hay rõ ràng hơn, một giọng nói Uber ân cần, đơn giản, táo bạo sẽ khác với giọng mạnh mẽ, tự tin và năng nổ của Harley-Davidson.

Uber và Harley-Davidson
Uber và Harley-Davidson

Hơn nữa, giọng nói thương hiệu có xu hướng ảnh hưởng đến toàn bộ công ty và không chỉ giới hạn trong phạm vi giao tiếp với khách hàng. Rất có thể, các nhân viên sẽ giao tiếp với nhau theo cùng phong cách và sẵn sàng thể hiện nó với những người khác.

Giọng nói thương hiệu của bạn không chỉ là những gì bạn nói với khách hàng của mình, mà còn cả những ấn tượng bạn đem đến cho họ, cho nhân viên, cho tất cả mọi người. Đây là một trong những lý do xác định giọng nói là một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu.

Giọng nói và giọng điệu khác gì nhau?

Thế nhưng, khi nghe đến giọng nói thương hiệu ta cũng có nghe đến giọng điệu thương hiệu. Do vậy, ngoài việc hiểu được giọng nói thương hiệu ta cũng cần hiểu cả giọng điệu thương hiệu nữa. 

Giọng nói thương hiệu: Là mô tả tính cách và cảm xúc của doanh nghiệp, có sự nhất quán và không thay đổi.

Giọng điệu thương hiệu: Là sự chuyển đổi cảm xúc của giọng nói sao cho phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, cũng như điều chỉnh để phù hợp với thông điệp gửi gắm.

Giọng điệu thương hiệu là yếu tố nằm trong giọng nói và phải luôn bổ trợ giọng nói để khách hàng cảm nhận được định hướng của doanh nghiệp.

Thật vậy, trong khi giọng nói của bạn phải đảm bảo sự nhất quán, giọng điệu có thể thay đổi theo ngữ cảnh của bạn. Ví dụ: một bài đăng bán hàng trên mạng xã hội sẽ vui tươi, sẽ có giọng điệu nhẹ nhàng hơn là một tin tức về cuộc khủng hoảng tài chính hay những thông tin về dịch covid - 19 hiện nay.

Giọng điệu bài viết bán hàng và Giọng điệu bài viết tin tức
Giọng điệu bài viết bán hàng và Giọng điệu bài viết tin tức

Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, nếu thương hiệu xây dựng được giọng nói độc đáo cho riêng mình thì chỉ cần giọng nói thương hiệu vang lên, người ta sẽ nhận ra bạn đến từ đâu. Điều đó sẽ tạo cho doanh nghiệp bạn nhiều lợi ích, cũng như thuận lợi trong công cuộc tồn tại và phát triển trên thị trường.

Tại sao giọng nói thương hiệu quan trọng?

1. Khẳng định mạnh mẽ tính cách thương hiệu:

Việc phát triển giọng nói thương hiệu nhất quán trên tất cả các nền tảng truyền thông mang lại cho thương hiệu của bạn một cảm giác gắn kết. 

Liên tục xuất hiện trong mắt khách hàng thì sau một thời gian, mọi người sẽ nhận thức được bạn. Cũng như hiểu được thông điệp của doanh nghiệp. Hơn cả thế, khách hàng sẽ cảm nhận được tính cách và cảm xúc thương hiệu bạn mang lại.

Nếu giọng nói của bạn tạo được cho khách hàng sự quen thuộc, và sản phẩm/dịch vụ của bạn đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng thì bạn đã có một lượng lớn khách hàng trung thành cho doanh nghiệp mình rồi.

Hãy nghĩ về Coca-Cola, họ được biết đến rộng rãi với một số điều đơn giản: màu đỏ, cảm giác hạnh phúc; và một tinh thần “All-American”. Đó là ví dụ rõ ràng nhất về sự nhất quán trong tính cách được thương hiệu mệnh danh “Niềm tự hào người Mỹ” xây dựng.

Coca Cola "The All American Pause"
Coca Cola "The All American Pause"

Coca Cola mỗi năm đều chi rất nhiều tiền cho quảng cáo thương hiệu, họ làm mới bản thân những luôn giữ cho thương hiệu của mình nhất quán.

Điển hình là tài khoản Twitter của Wendy's. Ở đây, họ thể hiện quan điểm với mọi người, điều đó khiến khách hàng thấy rằng thương hiệu Wendy's đáng để tương tác.

Thật vậy, bạn thực sự không cần phải lan truyền tweet với tần suất cao. Bạn chỉ cần cung cấp thông tin sâu sắc mà khách của bạn sẽ thích thú và tương tác với nó. Chất lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Hãy sử dụng giọng nói của bạn để nội dung thêm phần sâu sắc và có tác động mạnh mẽ hơn.

Một salon tóc sẽ có thể đăng tải những thông tin về dưỡng tóc, cách phục hồi tóc sau thương tổn với giọng điệu thương hiệu riêng của mình. Đó sẽ là những thông tin vô cùng hữu ích với những người muốn giữ cho mái tóc đẹp và khỏe, họ chắc chắn sẽ tương tác và thích thú với cửa hàng hơn.

2. Tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh: 

Có rất nhiều giọng nói được xây dựng, tuy nhiên, việc tuân theo một cách nhất quán sẽ cho phép bạn phát triển cá tính của thương hiệu riêng biệt hơn. Chỉ có như vậy mới ghi được dấu ấn vào tâm trí khách hàng một cách rõ ràng. 

Đây là một cơ hội để giúp thương hiệu nhận diện tốt hơn giữa các đối thủ cạnh tranh.

Bạn có khoảng 15 giây để tạo ấn tượng trước khi một khách hàng thiếu kiên nhẫn chuyển sang mặt hàng khác. Tất cả các thương hiệu lớn đều mang lại cho khách hàng cảm nhận riêng biệt, nó hình thành trong nhận thức của khách hàng. Điều đó nghĩa là, giọng nói của thương hiệu đó hiện lên trong 15 giây đầu tiên đó khiến họ "ồ" rồi sẽ xem xét đến mặt hàng của bạn.

Một Amazon luôn hứa hẹn đưa những trải nghiệm trực tuyến trở thành tốt nhất. Người ta cũng nhận thức rằng nhiệm vụ của Google là làm cho mọi thông tin được đăng tải trên internet có thể truy cập được trên toàn cầu. Tất nhiên, chúng ta sẽ không ai nhầm lẫn một Coca Cola ấm áp, giàu tình cảm cùng chút hoài niệm với một Pepsi năng động trẻ trung.

Quảng cáo mang màu sắc riêng của 2 thương hiệu Coca và Pepsi
Quảng cáo của 2 thương hiệu Coca và Pepsi

Xác định thương hiệu của bạn. Tự hỏi bản thân mình. Tại sao khách hàng phải chọn bạn? Điều gì khiến bạn khác biệt với đám đông? Làm thế nào để khán giả cảm nhận được thương hiệu của bạn? Bạn sử dụng loại giọng nói nào? Thú vị, hài hước và thân thiện như Mailchimp? Hay tự tin và quyết đoán như Gillette

Nội dung bài viết, những mẫu quảng cáo, mức độ tương tác của doanh nghiệp và các yếu tố khác sẽ phụ thuộc vào giọng nói của bạn. Hãy đảm bảo rằng nó vừa chân thực vừa độc đáo.

3. Thể hiện sự nhất quán của thương hiệu:

Hãy đặt bản thân vào khách hàng, không ai muốn tiếp xúc với một thương hiệu dễ thay đổi. Hãy xây dựng thật kỹ giọng nói mình muốn nói với khách hàng, cảm nhận được những gì họ mong muốn, chỉ có như vậy, mới có thể đưa đến chiến lược thành công.

Netflix là một nghiên cứu điển hình khi nói đến tính nhất quán của thương hiệu. Trong nhiều năm nay, thương hiệu đó đã được biết đến với việc tham gia vào mạng xã hội với những câu chuyện tập trung vào con người và sử dụng ngôn ngữ hài hước.

Tweet của Netflix
Tweet của Netflix

Nó cũng tương tác rất nhiều với khán giả của mình trên phương tiện truyền thông xã hội và đặc biệt, sử dụng các đoạn trích từ các bộ phim và loạt phim để tạo ra nội dung vui nhộn. Từ đó, họ truyền tải những thông điệp khích lệ, truyền cảm hứng cho mọi người vào những điều tích cực.

Một chiến lược thương hiệu kỹ lưỡng, được nghiên cứu kỹ càng và mọi công đoạn đều hoàn tất để triển khai, nhưng lại truyền thông với câu từ lủng củng, mơ hồ và khó hiểu, thì đó là không khôn ngoan.

4. Tạo được sự ảnh hưởng với các khách hàng tiềm năng:

Giọng nói thương hiệu làm cho bạn kết nối cảm xúc với khách hàng. 62% người mua nói rằng tiếp xúc tình cảm và cảm nhận với thương hiệu là điều quan trọng khi quyết định mối quan hệ lâu dài với một công ty.

Đừng ngạc nhiên, một kết nối cảm xúc có thể được thiết lập theo những cách hoàn toàn khác nhau bởi vì tâm lý học đã phân biệt được 27 cảm xúc của con người, mỗi cảm xúc có thể được sử dụng để kết nối với khách hàng của bạn.

Giọng nói thương hiệu đáng tin cậy tạo cơ cở để khách hàng tin tưởng và sẽ dần trung thành với thương hiệu. Song, điều đó cũng cần được hỗ trợ bởi một chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp về cách bạn tương tác với khách hàng.

Chiến dịch “Share a Coke” mang đến cho mọi người yêu thích Coca-Cola cơ hội cá nhân hóa thức uống của họ.
Chiến dịch “Share a Coke” mang đến cho mọi người yêu thích Coca-Cola cơ hội cá nhân hóa thức uống của họ.

Một chiến dịch Share a Coke đã được tiến hành bởi Coca Cola, thương hiệu đó chọn cách in tên khách hàng lên chai Coca Cola để mọi người có thể cá nhân hóa trải nghiệm của mình. Điều này đã thu hút lượng lớn khách hàng và nâng cao vị thế của Coca Cola trong nhận thức mọi người hơn.

Nếu bạn muốn thông tin đến khách hàng của mình, thì tốt nhất bạn nên tạo nội dung với giọng nói thể hiện sự chuyên môn và có hiểu biết về chủ đề này. Nếu bạn muốn tạo thêm tình cảm thân thiết với khách hàng, giọng nói ấm áp và cởi mở sẽ thích hợp hơn.

5. Niềm tin của công ty: 

Một tiếng nói thương hiệu nhất quán, mạnh mẽ, đáng tin cậy có thể truyền cảm hứng cho nhân viên tiếp nhận đầy đủ hơn tầm nhìn và văn hóa công ty.

Việc duy trì một thương hiệu rõ ràng và nhất quán sẽ mang lại cho đội ngũ tiếp thị niềm tin vào chiến lược thương hiệu của bạn theo thời gian và trên các kênh. Nếu nhân viên đã có niềm tin vào doanh nghiệp sẽ thôi thúc họ làm việc và cống hiến sức lực của mình cho doanh nghiệp, thậm chí họ có thể lan tỏa những giá trị của doanh nghiệp đến người khác.

Khi nhân viên của bạn tin vào doanh nghiệp, tin vào những gì bạn xây dựng, khách hàng của bạn cũng sẽ tin tưởng chúng ta. Không một khách hàng nào sẽ tin tưởng nếu nhân viên của doanh nghiệp đó không hiểu biết gì về chính doanh nghiệp họ đang làm việc.

Cho nên, hãy xây dựng sự tin tưởng này từ trong ra ngoài và rồi bạn sẽ có được nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ.

Những brand voice ấn tượng từ các thương hiệu nổi tiếng 

1. Harley-Davidson

Giọng nói của Harley-Davidson mạnh mẽ, điên cuồng và hung hãn, thậm chí có người nói rằng đây là một trong những thương hiệu thô bạo. Những chiếc xe chạy trên đường gồ ghề, khắc nghiệt và những gì họ thể hiện trên trang web, cũng như mọi quảng cáo của họ đều tập trung vào điểm này.

Giọng điệu của Harley-Davidson thách thức khán giả rằng họ xứng đáng được điều khiển một trong những chiếc mô tô của thương hiệu, hơn là thể hiện niềm khát kháo khách hàng mua sản phẩm của họ.

Những hình ảnh quảng cáo của Harley-Davidson
Những hình ảnh quảng cáo của Harley-Davidson

Trong 12 hình mẫu, Thương hiệu này phù hợp với hình mẫu Outlaw, sự tự do và bứt khỏi những giới hạn đó trở thành đặc trưng của doanh nghiệp.

Họ luôn thể hiện cá tính của mình thông qua giọng điệu độc đáo và nhất quán. Loại giọng này phù hợp với những khách hàng nổi loạn, táo bạo và độc lập.

2. Coca - Cola

Tiếng nói của Coca-Cola là tích cực, thân thiện và dễ hiểu.

Họ luôn cho chúng ta thấy một cuộc sống hạnh phúc đi kèm với giọng nói tích cực, lạc quan,  bằng cách sử dụng những hình ảnh gia đình, bạn bè.

Thương hiệu tồn tại hơn 100 năm qua vẫn kiên định với một mục đích duy nhất là khơi gợi niềm hạnh phúc.

Quảng cáo Coca Cola
Quảng cáo Coca Cola

Đến với các quảng cáo của Coca, bạn có thể thấy gấu Bắc Cực, gia đình cùng nhau ăn tối (và uống Coke) hoặc những người bạn bè đang nhảy múa và mỉm cười.

Coca-Cola đã kết nối những cảm xúc tích cực với thức uống của họ thông qua những hình ảnh đầy sức gợi và giọng nói được xây dựng hoàn hảo.

7 bước tạo dựng giọng nói thương hiệu của riêng bạn

Bước 1: Xem lại tuyên bố sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Tính cách thương hiệu phản ánh giá trị mà bạn xây dựng, những thông điệp bạn cố gắng truyền tải. Và giá trị của bạn sẽ được tìm thấy trong tuyên bố sứ mệnh của bạn. Nếu bạn đã có một tuyên bố sứ mệnh, đó sẽ là một khởi đầu thuận lợi để xây dựng các chiến lược tiếp thị về sau kết nối được với giá trị thương hiệu của mình.

Hãy nhìn cách Harley Davidson đã tuyên bố sứ mệnh: "Hơn cả chế tạo máy móc, chúng tôi khao khát cho cuộc phiêu lưu vượt thời gian. Tự do cho tâm hồn." Từ những điều đó họ đã xây dựng được một giọng nói thương hiệu mạnh mẽ, điên cuồng và tràn đầy sự khám phá.

HARLEY-DAVIDSON
HARLEY-DAVIDSON

Hãy luôn ghi nhớ sứ mệnh của mình, để thể kết nối các giá trị với thương hiệu của bạn với những hoạt động tiếp thị, truyền thông.

Bước 2: Kiểm tra những nội dung, hình ảnh truyền thông

Xem xét các nội dung bạn đã đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Website
  • Blog posts
  • Social media posts
  • Videos
  • Print collateral
  • In-store signage
  • TV spots
  • Radio ads

Sau đó, xem xét lại các chủ đề nội dung và đặt câu hỏi: Giọng nói thương hiệu hiện tại của bạn có phù hợp với giá trị và mục đích thương hiệu không? Nếu không, làm thế nào nó có thể được cải thiện điều đó? Làm sao để giọng nói thương hiệu tốt hơn?

Đặc biệt chú ý đến những nội dung nào được nhiều sự quan tâm nhất, cho dù đó là các bài đăng trên blog, video, trang web, bài đăng trên mạng xã hội hoặc nội dung khác. Những điều này có thể cho bạn về những nội dung nào khách hàng của bạn quan tâm.

Bước 3: Thực hiện khảo sát đối tượng

Nếu bạn đã có khách hàng tiềm năng của mình, hãy tạo một cuộc thăm dò đơn giản để hỏi xem họ thấy thương hiệu của bạn như thế nào. Bao gồm các câu hỏi sau:

  • Bạn sẽ mô tả thương hiệu của chúng tôi như thế nào?
  • Nếu thương hiệu chúng tôi là một con người, bạn nghĩ nó sẽ như thế nào?
  • Bạn cảm thấy giọng nói thương hiệu của chúng tôi hiện tại như thế nào?
  • ...

Sau đó, sử dụng phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội để chia sẻ khảo sát với những người theo dõi của bạn. Và, bạn cũng có thể gửi nó đến danh sách email khách hàng của mình.

Bước 4: Nghiên cứu đối tượng của bạn

Để hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu của bạn, bạn có thể chọn những khách hàng nổi bật nhất và tiến hành nghiên cứu họ.

Tôi có một quy trình như thế này.

Chọn năm khách hàng bạn cho rằng nổi bật nhất và trung thành nhất.

Hãy tìm hiểu thông tin (nhân khẩu học) về họ thông qua các nền tảng mạng xã hội họ tham gia.

Xem lại cách mà họ hoạt động trên mạng xã hội:

- Sở thích (Ví dụ: họ có xem những thước phim thú vị, hài hước không? Nếu có, họ có thể thích nếu bạn áp dụng sự hài hước trong giọng nói thương hiệu của bạn)

- Cách họ viết (Ví dụ: họ dùng văn phong, từ ngữ như thế nào? Nếu họ viết một cách nghiêm túc, chú trọng đến cách hành văn, họ có thể đánh giá cao nếu giọng nói thương hiệu của bạn đầu tư vào mảng viết lách)

- Các bài đăng họ đọc (Ví dụ: họ có hay đọc sách nói về cuộc sống, kỹ năng sống không? Nếu có, hãy lồng ghép những chủ đề đó vào các bài đăng để xây dựng giọng nói thương hiệu của mình)

Hãy xem xét càng nhiều càng tốt, càng kỹ lưỡng bạn sẽ càng chính xác hơn.

Hãy mô tả lại những gì bạn tìm được bằng ngôn ngữ cụ thể khi xem xét từng khách hàng này. 

Khi bạn đã thực hiện xong quy trình, hãy đối chiếu những khách hàng đó với nhau, để có thể tìm ra điểm chung của những khách hàng tốt nhất.

Bước 5: "Chúng tôi là… , nhưng không phải..."

Hãy tìm hiểu bạn là gì, bạn không phải là gì. Điền vào chỗ trống trong câu này:

“Chúng tôi là _______, nhưng chúng tôi không phải _______.”

Bạn có thể tham khảo 4 chiều kích (Dimension) sau:

FunnySerious
CasualFormal
IrreverentRespectful
EnthusiasticMatter-of-face
The Four Dimensions of Tone of Voice

Sau đó, lặp lại quá trình này nhiều lần cho đến khi bạn đạt được ba hoặc bốn câu mô tả tốt nhất thương hiệu của bạn. Đây là những ví dụ, nếu bạn hoàn thành bước này.

"Chúng tôi thân thiện, nhưng không quá ngớ ngẩn."

"Chúng tôi hài hước, nhưng không dí dỏm quá đà."

“Chúng tôi nhiệt tình, nhưng không thiếu cá tính.”

Bước 6: Tạo bảng giọng nói thương hiệu

Tiếp theo, hãy lấy ba đến bốn từ đại diện tốt nhất cho thương hiệu của bạn và hoàn thành một biểu đồ giống như biểu đồ bên dưới. Hãy chọn do và don’t cho mỗi tính cách bạn lựa chọn.

Điều này rất đơn giản để thực hiện bằng cách sử dụng mẫu:

Minh họa Bảng Brand Tone Of Voice
Minh họa Bảng Brand Tone Of Voice

Liệt kê các đặc điểm thương hiệu của bạn ở bên trái, bao gồm lời giải thích ngắn gọn về từng đặc điểm trong cột tiếp theo.

Giải thích cách sử dụng (và không sử dụng) đặc điểm này trong hai cột tiếp theo.

Sau khi bạn hoàn thành, mẫu hoàn chỉnh sẽ trông giống như sau:

Bảng Brand Tone Of Voice minh họa
Bảng Brand Tone Of Voice minh họa

Bước 7: Lập các nguyên tắc rõ ràng 

Cung cấp một hệ thống nguyên tắc rõ ràng sẽ dễ dàng khi các thành viên trong doanh nghiệp xây dựng giọng nói thương hiệu.

Điều này giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn thương hiệu của bạn được duy trì và mọi thông tin hướng đến khách hàng của doanh nghiệp bạn đăng tải sẽ theo đúng giọng nói thương hiệu mình.

Thách thức trong việc xây dựng giọng nói thương hiệu

Việc duy trì giọng nói trong khi điều chỉnh giọng điệu cũng không phải là điều dễ dàng.

Trong thời đại kỹ thuật số, khi có áp lực phải liên tục sáng tạo nội dung. Áp lực này có thể khiến người viết nội dung rơi vào tiếng nói cá nhân của chính họ, mà quên mất giọng nói của thương hiệu. Thậm chí, có trường hợp các thành viên trong doanh nghiệp diễn giải giọng nói thương hiệu theo cách riêng, không theo nguyên tắc đã đưa ra.

Và, các phương tiện truyền thông khác nhau yêu cầu các cách tiếp cận và phong cách viết khác nhau. Cách bạn viết một tweet trên Twitter sẽ khác với cách bạn viết ở Facebook, sẽ khác với cách bạn viết trên website, v.v

Để áp dụng giọng nói thương hiệu cho các phương tiện truyền thông khác nhau như vậy, đòi hỏi kỹ năng, sự kiên nhẫn và những kinh nghiệm xuyên suốt.

Nhưng, nếu xây dựng được brand voice của mình, sẽ đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích đã được nêu ra ở bài. Do đó, những thách này rất xứng đáng để các doanh nghiệp vượt qua.

Lời kết

Giọng nói thương hiệu là cách bạn thể hiện tính cách và truyền đạt cảm xúc của thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp.

Giọng điệu thương hiệu là yếu tố nằm trong giọng nói và phải luôn bổ trợ giọng nói để khách hàng cảm nhận được định hướng của doanh nghiệp.

Lợi ích của việc xây dựng giọng nói thương hiệu: Khẳng định mạnh mẽ tính cách thương hiệu, Tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, Thể hiện sự nhất quán của các chiến lược thương hiệu, Tạo được sự ảnh hưởng với các khách hàng tiềm năng, Niềm tin của công ty.

Có 7 bước để tạo dựng giọng nói thương hiệu của riêng bạn: Xem lại tuyên bố sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; Kiểm tra những nội dung, hình ảnh truyền thông; Thực hiện khảo sát đối tượng; Nghiên cứu đối tượng của bạn; "Chúng tôi là… , nhưng không phải…."; Tạo biểu đồ giọng nói thương hiệu; Lập các nguyên tắc rõ ràng.

Để áp dụng giọng nói thương hiệu cho các phương tiện truyền thông khác nhau như vậy, đòi hỏi kỹ năng, sự kiên nhẫn và những kinh nghiệm xuyên suốt.


Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết cùng chủ đề

Kiến thức thương hiệu

Tông giọng thương hiệu là gì? 5 bước tạo tông giọng thương hiệu ấn tượng

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202112 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Định vị thương hiệu? 9 phương pháp định vị thương hiệu cơ bản

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202113 phút đọc

Kiến thức thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 5 bước để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu

Nguyễn Khánh Trung

02/11/202110 phút đọc

Khám phá toàn bộ nội dung

Cùng Brand Doctor khám phá kiến thức