Cạnh tranh là quy luật tất yếu của nền kinh tế, hoặc đơn giản hơn, ở đâu có nền kinh tế thì ở đó chắc chắn có cạnh tranh.
Mỗi người chúng ta biết rõ, cạnh tranh là một cuộc đua không có điểm cuối cùng, không gián đoạn và tất nhiên chúng ta không được dứt ra khỏi nó.
Cho nên, để có thể cạnh tranh và thắng được đối thủ của mình, các doanh nghiệp phải để cho chi phí bỏ thấp hơn mức lợi nhuận thu nhập được từ việc cung cấp và sản phẩm của mình.
Tìm cách làm cho sản phẩm của mình đến được khách hàng qua nhiều hình thức. Đặc biệt hơn những người khác cùng sản phẩm, hoặc tương tự sản phẩm của doanh nghiệp và nếu họ có cùng đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn, chúng ta đã phải cạnh tranh.
Những người đó, được gọi là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối thủ cạnh tranh là ai?
Đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh là những công ty, doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm giống nhau hoặc tương tự và có cùng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Các doanh nghiệp này cạnh tranh nhau với đa dạng hình thức, trên nhiều khía cạnh nhằm đạt được mục đích là tranh giành thị phần, thu nhiều lợi nhuận, đạt được doanh số hoặc là vượt qua đối thủ để thống lĩnh thị trường.
Muốn hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xác định chính xác đối tượng nào đang hoặc sẽ trở thành đối thủ của mình. Phân loại càng chi tiết thì mức độ hiểu sẽ càng rõ ràng.
Nhìn lại nền tảng xe công nghệ đã gây sóng gió với ngành taxi truyền thống khi vừa xuất hiện, Grab và Uber xâm nhập vào thị trường Việt Nam nhanh chóng có được lợi thế cực mạnh nhờ sự tiện lợi cùng thái độ làm việc thân thiện. Grab đã thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và "hất cẳng" Uber khỏi nước ta.
Dù đã có những thành công như thế, sự cạnh tranh của những hãng xe này trên thị trường chưa từng dừng lại, Grab đã và đang đối mặt với các đối thủ cạnh tranh mới như, Gojek, tân binh Be, FastGo,...
Không có điểm dừng cho sự cạnh tranh, đối thủ cạnh tranh sẽ luôn xuất hiện, cho nên doanh chủ không được lơ là kể cả khi "sóng yên gió lặng".
“Biết người biết ta” là câu nói thường được dùng trên thương trường. Muốn phát triển tốt bản thân, doanh nghiệp cần hiểu rõ thế giới đang vận hành như thế nào và những người đi chung con đường họ đã như thế nào rồi.
Do đó, định vị được đối thủ là điều kiện cần để các doanh nghiệp có thể định vị được bản thân mình.
Sau đây, sẽ là 5 điều các doanh chủ cần làm để có thể hiểu rõ đối thủ cạnh tranh của mình.
1. Hiểu rõ chính mình để biết ai là đối thủ
Với thời đại phát triển hiện nay, thế giới phẳng đã làm cho các doanh nghiệp không thể cân đo đong đếm số lượng đối thủ của mình được nữa.
Những doanh nghiệp đang sử dụng chung thị phần, thu hút chung nguồn khách hàng với bạn không chỉ là những doanh nghiệp địa phương hay trong nước mà còn bao gồm cả những đơn vị quốc tế, thậm chí có các doanh nghiệp đến từ nửa bán cầu kia của Trái Đất.
Tình hình đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để xác định lại vị trí của mình trên thương trường. Để nhận biết chính xác đối thủ của mình, các doanh chủ cần thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lại doanh nghiệp của mình để “thấu hiểu” được bản thân.
Không ai hiểu rõ bạn, hơn chính bạn!
Nhận định “mình” là ai, đang ở đâu, tầm nhìn, sứ mệnh là gì, mang đến giá trị gì cho xã hội. Chỉ khi từng cá nhân trong doanh nghiệp hiểu sâu sắc được giá trị thực sự của công ty thì họ mới đem được giá trị đó lan tỏa đến xã hội.
Doanh chủ cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Doanh nghiệp đang là “ai” trong mắt công chúng?
- Doanh nghiệp đem đến giá trị gì cho xã hội?
- Tương lai doanh nghiệp sẽ trở thành như thế nào?
- Điểm tương đồng giữa doanh nghiệp và thị trường là gì?
- Mức độ thấu hiểu thị trường của doanh nghiệp sâu sắc đến đâu?
- Điểm khác biệt của doanh nghiệp là gì? Đối thủ của bạn có thể mô phỏng nó không? Nếu có, đó có còn là điểm khác biệt không?
- Làm thế nào để bùng nổ trên cuộc chơi dài hạn trên thương trường?
- Lợi thế của doanh nghiệp là gì?
- Đối thủ của doanh nghiệp là ai?
- Đối tượng nào sẽ trở thành người đồng hành lý tưởng cùng doanh nghiệp?
Hiểu rõ chính mình là việc làm vô cùng quan trọng không những để biết được ai là đối thủ mà còn để không đánh mất chất riêng trên đường đua lợi nhuận.
Dễ thấy nhất là cuộc chiến giữa Coca-Cola và PepsiCo. Mặc dù Coca-Cola ra đời trước PepsiCo 13 năm, nhưng tới thời điểm hiện tại, về lĩnh vực nước uống không cồn, Coca-Cola và PepsiCo là 2 tập đoàn dẫn đầu trên toàn thế giới. Về mặt sản phẩm mà điển hình là nước giải khát, có một nét gần tương đồng giữa hai loại nước Coke và Pepsi, tuy nhiên thông điệp mà hai doanh nghiệp truyền tải hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta sẽ bắt gặp một Coca-Cola tràn đầy tình cảm, gắn kết những mối quan hệ và sự ấm áp lan tỏa trong từng hình ảnh họ truyền tải. Tuy vậy, với Pepsi, ắt hẳn đó là sự cuồng nhiệt, niềm hân hoan của giới trẻ và những cuộc vui chơi đầy khám phá, trendy.
Chính vì Coca-Cola hiểu được giá trị của mình nên mới không bị sự tươi mới bùng nổ của PepsiCo dẫn dắt và ngược lại PepsiCo cũng không đi trên cùng một con đường với Coca-Cola.
Chính vì mỗi doanh nghiệp đều hiểu mình, họ trở nên bất bại trước mọi đối thủ và không để cho hình ảnh của mình bị đồng nhất.
2. Nắm bắt nguồn thông tin về đối thủ - Chủ động tìm hiểu và phân tích thông qua internet
Trước khi tìm cách nắm bắt được thông tin của đối thủ, doanh nghiệp cần xác định và phân loại được “Ai là đối thủ của mình?”.
Ba loại đối thủ cơ bản nhất là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đối thủ cạnh tranh gián tiếp và đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn.
Đối thủ của bạn có thể là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có chỗ đứng vững trong ngành hoặc những doanh nghiệp mới nổi trên thị trường. Bạn cũng cần lưu tâm đến những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tương tự hoặc thay thế bởi vì một ngày nào đó nó sẽ có nguy cơ khiến cho sản phẩm của bạn trở nên dư thừa.
Bên cạnh đó, một số các phân loại căn cứ vào mức độ thay thế của sản phẩm, có thể phân đối thủ cạnh tranh thành 4 nhóm như sau:
- Đối thủ cạnh tranh về nhãn hiệu: là các đối thủ đưa ra một sản phẩm, dịch vụ tương tự ra thị trường với mức giá tương tự.
- Đối thủ cạnh tranh cùng ngành: là các đối thủ sản xuất cùng một sản phẩm hoặc các loại sản phẩm trong cùng một ngành.
- Đối thủ cạnh tranh về công dụng: là các đối thủ cung ứng cùng một dịch vụ, sản phẩm ví dụ các dịch vụ về chăm sóc da, phục vụ ăn uống, xem phim, nghe nhạc,...
- Đối thủ cạnh tranh chung: là các đối thủ tuy không cùng ngành nhưng đều cạnh tranh để kiếm tiền từ một nhóm khách hàng.
Cho dù muốn hay không thì bất kỳ ai đã kinh doanh thì sẽ luôn có đối thủ, bất kể việc bạn gia nhập vào một ngành có sẵn hay tiên phong cho một lĩnh vực mới.
Đối thủ cạnh tranh là người muốn lấy khách hàng từ thị trường và từ tay bạn. Do đó, bạn cần phải có sự đầu tư thích hợp để nắm bắt thông tin liên tục, chính xác từ đối thủ.
Theo dõi họ là ai, đang làm gì, từ đó dự đoán được hành vi và kế hoạch sắp tới của họ. Quy tắc đi trước đón đầu là câu thần chú vô cùng hiệu quả trong kinh doanh thông minh.
Vì các doanh nghiệp dù cạnh tranh nhau trên nhiều phương diện nhưng cuối cùng đều quy về một điểm cốt lõi đó là thỏa mãn nhu cầu khách hàng mục tiêu.
Do đó, khi nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần lấy yếu tố “thỏa mãn nhu cầu khách hàng” để phân tích khả năng cạnh tranh. Có 4 tiêu chí được đề xuất khi tìm hiểu về sản phẩm dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh là:
2.1 Sản phẩm/ Dịch vụ
Giá cả, đặc tính sản phẩm như thế nào, có gì khác biệt? Sản phẩm, dịch vụ của đối thủ có điểm nào ưu việt, điểm nào chưa tốt? Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng ở những ngách nào để biến sản phẩm của đối thủ trở thành bàn đạp cho mình?
Dựa vào những gì người khác đã làm, hoạch định chặt chẽ chiến lược kinh doanh và marketing phù hợp, đồng thời liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
2.2 Kênh phân phối
Dựa vào đặc điểm của các kênh mà đối thủ đã thực hiện, xác định cấu trúc kênh, hoạt động kênh phù hợp với doanh nghiệp của mình. Đảm bảo kênh phân phối được chọn giải quyết được các vấn đề như định toán giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khả năng tiếp cận phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhất.
Đánh giá kênh phân phối bằng việc sử dụng mô hình lợi nhuận chiến lược, kiểm tra các chỉ số quan trọng về hiệu suất tài chính của kênh.
Sẽ có những kênh phân phối hiệu quả hơn và ngược lại, việc đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp chọn lọc được những kênh hiệu quả và loại bỏ được những chi phí không cần thiết.
2.3 Truyền thông
Phân tích cách thức đối thủ tiếp cận khách hàng, triển khai truyền thông dựa vào Share of voice (SOV) là phép đo mức độ nhiều hay ít những đề cập đến bạn khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh.
Doanh nghiệp có thể nắm bắt được mức độ Share of voice ở góc độ tổng quát cũng như góc độ chuyên sâu dựa trên đa kênh giao tiếp (Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, diễn đàn, trang thông tin báo mạng), địa lý, nhân khẩu học của người dùng như tuổi tác, giới tính, thu nhập,… dự trù chuỗi hành vi khách hàng so với những đối thủ của mình.
Cách đối thủ truyền thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp.
Hiểu rõ hành vi và suy nghĩ của đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lên các chiến dịch, sử dụng Social Listening để trực tiếp đo lường hiệu quả và phản ứng của người tiêu dùng.
2.4 Khách hàng và sự nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp đối thủ
Thu thập, tìm hiểu phản hồi của khách hàng về đối thủ và các dịch vụ của họ. Dựa vào đó đưa ra nhận xét, kinh nghiệm riêng về cả những phản hồi tích cực, tiêu cực để đề ra chiến lược phù hợp.
Một số mô hình có thể ứng dụng để phân tích đối thủ cạnh tranh: mô hình SWOT, Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter, Ma trận hình ảnh canh tranh CPM, Mô hình đa giác cạnh tranh, Phân tích nhóm chiến lược.
Việc định lượng các tiêu chí giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích đối thủ và so sánh với doanh nghiệp của mình, tránh được tình trạng phân tích định tính, chủ quan.
Sau đó, bạn có thể lập được kế hoạch hành động tiếp theo của mình, vừa đi trước đối thủ một bước, vừa ngăn chặn được họ tấn công vào thị phần của mình.
3. Luôn đặt ra câu hỏi
Liên tục đặt câu hỏi về bản thân doanh nghiệp và đối thủ. Liên tục đặt ra các câu hỏi tự vấn là một trong những cách tốt nhất để nhanh chóng thiết lập quan điểm của doanh nghiệp.
Một số câu hỏi có thể đưa ra:
- Đối với doanh nghiệp của bạn:
- Doanh nghiệp của bạn đang làm gì?
- Điểm khác biệt của doanh nghiệp là gì?
- Kế hoạch tiếp theo triển khai như thế nào? Kết quả dự kiến là gì?
- Doanh nghiệp đang gặp những rắc rối gì?
- Hệ thống tài chính, nhân sự của doanh nghiệp có hiệu suất không?
- Làm thế nào để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn?
- Làm thế nào để phát triển bền vững?
- Kế hoạch lâu dài cho tương lai là gì?
- Đối thủ đang cạnh tranh với doanh nghiệp ở khía cạnh nào?
- Đứng trước xu hướng 5.0, doanh nghiệp sẽ hành động như thế nào?
- Đối với đối thủ của doanh nghiệp:
- Đối thủ cạnh tranh đang làm gì?
- Họ đang triển khai chiến lược như thế nào?
- Bạn đoán ra được gì từ hành vi của đối thủ?
- Làm sao để tận dụng từ đối thủ?
- Đối thủ có thể trở thành đối tác ở những phương diện nào?
- Các hoạt động tiêu biểu được tập trung là gì?
- Những kênh phân phối và tiếp thị?
4. Thu thập thông tin từ nguồn khách hàng
Khách hàng là nguồn thông tin quý giá, nói chuyện với khách hàng là một trong những cách tốt nhất, tiết kiệm nhất, ngắn nhất và thông minh nhất để thu thập thông tin thực tế, khách quan, chính xác từ đối thủ cạnh tranh.
Bất cứ khi nào có được một khách hàng mới, doanh nghiệp cần tìm hiểu những đơn vị mà họ đã từng sử dụng và lý do chuyển sang công ty bạn để hiểu được “khẩu vị” của khách hàng, lý do tại sao họ không hài lòng với nhà cung cấp trước, có những điểm nào là điểm mấu chốt giúp khách hàng đưa ra quyết định.
Tương tự như thế, khi bạn mất đi một khách hàng hay một nhóm khách hàng trung thành, doanh nghiệp cũng cần xác định rõ những gì họ chưa hài lòng ở bạn.
Điều đó thể hiện được doanh nghiệp rất quan tâm đến khách hàng của mình, đồng thời sẵn sàng lắng nghe khách hàng.
“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” chính là triết lý kinh doanh của tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới Prudential. Việc "nghe - hiểu" khách hàng của công ty này thể hiện qua những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu tài chính của hầu hết người dân trên thế giới.
không để mình đứng ở vị thế những người “chào hàng” thông thường, khi những đại lý của của Prudential khi giới thiệu sản phẩm họ đặt bản thân vào tâm thế những người bạn, những người tư vấn tận tâm và họ luôn giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo đảm lợi ích lâu dài cho cuộc sống của chính khách hàng và người thân của họ.
Cách làm như vậy sẽ giúp doanh nghiệp thu thập đầy đủ các khía cạnh thông tin, hình thành ý tưởng rõ ràng về những gì đối thủ đang cung cấp mà khách hàng xem đó là ưu điểm, những gì mà khách hàng vẫn chưa hài lòng về họ.
Sau đó, doanh nghiệp cần điều chỉnh những chiến lược kinh doanh để thu hút lại khách hàng, thuyết phục các nhóm khách hàng khác và đánh bại đối thủ cạnh tranh của mình. Quan sát hành vi từ khách hàng là cách thu thập phản hồi trung thực nhất và có nhiều lợi ích nhất.
Thông tin về đối thủ có nhiều loại thông tin, thường được chia ra làm 3 dạng:
- Thông tin công khai: thông tin được lưu truyền trong nội bộ hoặc phổ biến ra bên ngoài như báo cáo thường niên, thông cáo báo chí, website, fanpage, blog, các buổi hội thảo mở, diễn thuyết, tạp chí,...
- Thông tin không công khai: thường phải thu thập từ nhiều nguồn nhưng thường vẫn khá dễ để có được như danh sách giá, nhà đấu thầu, các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi, các dịch vụ cung ứng,...
- Thông tin ẩn là loại thông tin được giữ bí mật: thường phải nói chuyện với nhân viên, khách hàng, người quản lý của đối thủ. Những loại thông tin này có độ bảo mật cao, đôi khi có những thủ tục pháp lý ràng buộc nên cần hết sức thận trọng khi khai thác, tránh vi phạm nguyên tắc.
5. Tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa doanh nghiệp của bạn và đối thủ
Sau khi đã thu thập được thông tin về đối thủ, hãy đánh giá chúng cẩn thận. Điều này sẽ cho bạn biết đối thủ đang tận dụng những điểm nào trên thị trường và có những khoảng trống nào mà doanh nghiệp có thể tấn công vào để khai thác.
Liệu có xảy ra sự bão hòa của các nhà cung cấp trong các khu vực nhất định trên thị trường của bạn hay không? Bạn có thể cân nhắc vào việc tập trung vào các khu vực ít cạnh tranh hơn hoặc là dồn sức tấn công vào một thị trường đang nở rộ nhưng có nhiều đơn vị cùng tranh giành.
Lập ra một danh sách tất cả mọi thứ bạn đã tìm hiểu được và cần tìm hiểu thêm về đối thủ cạnh tranh của mình. Chia thông tin làm 3 loại:
- Những gì họ đang làm tồi tệ hơn bạn?
- Những gì bạn có thể học hỏi và làm tốt hơn?
- Những gì họ đang làm giống như bạn?
+ Những gì họ đang làm tồi tệ hơn bạn?
Lên chiến lược khai thác những khoảng trống hoặc những thị trường bạn đã tìm ra. Chúng có thể nằm trong phạm vi sản phẩm, dịch vụ, tiếp thị hoặc phân phối, thậm chí cả cách họ tuyển dụng và giữ chân nhân viên, phong cách thương hiệu hoặc văn hóa doanh nghiệp cũng đều có thể trở thành một cách tấn công khách hàng lý tưởng.
Ngày nay, khi các sản phẩm đưa ra thị trường thường có những điểm ưu việt tương đồng nhau, điểm khác biệt về sản phẩm thường không quá rõ ràng hay nổi trội cho nên dịch vụ chăm sóc khách hàng hoặc các dịch vụ hậu mãi lại trở thành lợi thế cạnh tranh.
Các dịch vụ đi kèm tạo ra sự thoải mái cho khách hàng thường mang lại sự khác biệt giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh trong một thị trường cạnh tranh.
Luôn luôn làm mới những nỗ lực của doanh nghiệp bạn trong đa dạng các lĩnh vực để khai thác những thiếu sót mà bạn đã phát hiện ra trong các đối thủ cạnh tranh hoặc làm tốt hơn những gì đối thủ đang làm.
Tuy nhiên, ý thức được giá trị của doanh nghiệp mang lại là một điều tuyệt vời để bạn tự tin lan tỏa nó đến khách hàng nhưng tự mãn lại là một con dao hai lưỡi. Bên cạnh sự tự tin về điểm mạnh của doanh nghiệp, đó đồng thời sẽ là thức khiến bạn chùn bước.
Doanh nghiệp cần “không biết đủ” để liên tục cải thiện, nâng tầm đồng thời sản phẩm và dịch vụ để bạn luôn luôn là đối thủ đáng gờm trong mắt thị trường - nhớ rằng đối thủ cạnh tranh cũng đang làm điều tương tự với bạn.
+ Những gì họ đang làm giống như bạn?
Tiến hành phân tích những điểm chung và lên kế hoạch cải tiến nếu có thể. Doanh nghiệp của bạn phải là độc nhất, nếu vô tình bạn và đối thủ trở nên tương đồng trong mắt khách hàng thì bạn sẽ đánh mất ngay thị phần của mình.
Tìm hiểu xem bạn có những điểm nào trông giống như đối thủ, từ đó điều chỉnh phương thức để triệt tiêu, hoặc làm cho nó nổi bật hơn hẳn, hoặc tìm một con đường đi khác sáng sủa hơn.
Khi bất kỳ ai nhận ra bản thân đang có những điểm tương đồng với người khác, họ sẽ nghĩ mọi cách để làm cho mình trở nên nổi bật và khác biệt.
Trong kinh doanh cũng vậy, theo đuổi P.O.D (Point of Difference) là tư duy của doanh nghiệp trường tồn, đối thủ của bạn cũng đang ngày đêm suy nghĩ để họ tỏa sáng hơn bạn đấy.
+ Những gì bạn có thể học hỏi và làm tốt hơn?
Nếu chắc chắn rằng đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm điều gì đó tốt hơn, bạn cần nhìn lại và thực hiện một số thay đổi trong kinh doanh.
Đó là điều đương nhiên. Tạo ra lợi thế cạnh tranh là điều bắt buộc khi kinh doanh và nó có thể là bất cứ điều gì từ cải thiện dịch vụ khách hàng, định giá lại sản phẩm, cải tiến sản phẩm hay thay đổi cách truyền thông, đột phá về thương hiệu, thay đổi chiến lược tiếp cận, thiết kế lại bao bì và website, hoặc thay đổi nhà cung cấp, xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, thay đổi bộ mặt trước công chúng, đẩy mạnh độ viral,..
Thậm chí đó có thể không phải là những nỗ lực thay đổi chủ quan từ chính bên trong doanh nghiệp đối thủ mà họ đang cố gắng thay đổi bạn.
Họ sẽ tung các chiến dịch làm thay đổi hình ảnh của bạn trong mắt đại chúng hoặc cố ý tạo ra những khe hở để bạn tiếp cận và đi sai hướng. Vì thế, bạn cần tỉnh táo khi nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh của mình.
Cố gắng đổi mới và nói không với “bắt chước”. Tư duy mới lạ, luôn tạo ra điều khác biệt chứ không phải mô phỏng điểm đặc biệt.
Lấy quan điểm đột phá làm nền tảng để dẫn dắt thị trường. Quan sát và dựa trên cơ sở những thông tin đã thu thập được, hãy làm điều gì đó tốt hơn, thêm giá trị hơn cho khách hàng!
Nhìn những gì đối thủ đang làm và thành công, phân tích nguyên nhân và tìm ra một con đường khác để tiếp cận đến điểm thành công.
Tóm lại, có 3 tiêu chí cơ bản phản ánh tương đối chính xác điểm yếu, điểm mạnh của đối thủ mà doanh nghiệp cần phải lưu ý đó là:
- Thị phần hay còn gọi là phần thị trường mà đối thủ nắm trong tay. Xét trên thị trường mục tiêu thì đối thủ cạnh tranh đang nắm giữ bao nhiêu phần trăm và khối lượng sản phẩm được bán ra là bao nhiêu.
- Trí phần là thị phần về lý trí của khách hàng. Khi khách hàng được đặt câu hỏi về việc nhắc đến một ngành hàng, công ty đầu tiên được họ nghĩ đến là ai? Xác định tỷ lệ khách hàng nêu tên đối thủ cạnh tranh là bao nhiêu phần trăm.
- Tâm phần là thị phần về tình cảm hay thiện cảm, trái tim của khách hàng. Khi khách hàng được đặt câu hỏi về việc nhắc đến một ngành hàng, công ty, thương hiệu mà họ muốn mua sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ, đầu tư lâu dài, tin tưởng là ai? Xác định tỷ lệ khách hàng nêu tên đối thủ cạnh tranh là bao nhiêu phần trăm.
Lời kết
Đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh là những công ty, doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm giống nhau hoặc tương tự và có cùng đối tượng khách hàng mục tiêu.
5 điều các doanh chủ cần làm để có thể hiểu rõ đối thủ cạnh tranh của mình: Hiểu rõ chính mình, Nắm bắt nguồn thông tin về đối thủ (Sản phẩm/ Dịch vụ, Kênh phân phối, Truyền thông, Khách hàng và sự nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp đối thủ), Luôn đặt ra câu hỏi, Thu thập thông tin từ nguồn khách hàng và Tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa doanh nghiệp của bạn và đối thủ.
Qua những thông tin trên, có lẽ bạn đã hiểu rõ hơn về việc “Làm thế nào để hiểu rõ đối thủ cạnh tranh” và cách để phân tích đối thủ cạnh tranh của mình. Hiểu rõ chính mình, thông thạo thị trường và có thái độ đúng đắn trước đối thủ là cách để đạt được thành công trên thương trường.
Chia sẻ nếu bạn thấy hay: